Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh là người tuyệt đẹp và có đức hạnh.
Ông lúc tuổi trẻ hàn vi lắm. Một khi ốm nặng tưởng đã sắp chết, ông gọi Lưu thị đến bảo rằng:
– Tôi bệnh nguy quá, nàng tuổi còn trẻ không nên ở vậy, liệu mà ăn ở cho tử tế với người chồng sau.
Lư thị nghe nói, nức nở khóc. Đoạn vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho chồng biết rằng dù chồng bất hạnh có chết, cũng không lấy ai nữa.
Không bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh.
Sau ông thi đỗ, làm quan đến chức Tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.
Người ngoài cho thế là tại ông sợ Lư thị có tính hay ghen.
Chính vua Đường Thái Tôn, muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho hoàng hậu gọi vào bảo:
– Theo phép thường, các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một người mỹ nhân.
Lư thị nhất quyết không nghe. Vua nổi giận mắng rằng:
– Nhà ngươi không ghen thì sống, mà ghen thì chết.
Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm chén thuốc độc, phán rằng:
– Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc này.
Lư thị không ngần ngại chút nào, cầm chén, uống hết ngay.
Vua thấy thế, nói:
– Ta cũng phải sợ, nữa là Huyền Linh.
Lư Phu Nhân truyện
Lời bàn:
Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm.
May khỏi bệnh, sau lại làm đến Tể tướng, ông chỉ biết có bà mắt khoét, không thiết gì đến tì thiếp xinh đẹp, thế là ông muốn giữ cho được trọn vẹn cái tình đối với bà. Còn bà không muốn để cho ông có tì thiếp, tuy gọi là thói ghen thường tình, nhưng cũng là vì chung tình với ông, không muốn cùng ai san sẻ mối tình nữa. Quý thay! Đôi vợ chồng này, chân tình và chí tình, suốt đời kính yêu nhau, vợ chỉ biết có chồng, chồng cũng chỉ biết có vợ, chồng một vợ một, không những thoát khỏi cái nạn “đa nhân duyên nhiều đường phiền não” mà còn gây được cái hạnh phúc lâu dài cho thân, cho gia đình, cho con cháu sau nữa.
(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)