Cáo mượn oai hổ

Vua Tuyên Vương làm Vua nước Sở. Chiêu Hề Tuất chỉ là một người bầy tôi của Vua Tuyên Vương. Thế mà ai nghe thấy nói Chiêu Hề Tuất cũng phải kinh sợ. Vua lấy làm lạ, một hôm hỏi quần thần là vì cớ làm sao. Không ai trả lời nổi. Chỉ có Giang Nhất biết được thưa rằng:

“Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được con cáo . Cáo bảo: Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta là Trời sai xuống, cầm quyền coi hết cả bách thú. Người mà ăn thịt ta là người trái mệnh trời, hại đến thân ngay lập tức… Không tin thử để ta đi trước, ngươi theo hầu sau, xem có con thú nào trông thấy ta mà lại không sợ hãi tìm đường trốn cho mau không!”. Hổ cho cáo là nói thật, bèn theo cáo đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ mà chạy cả. Hổ vẫn không biết rằng bách thú sợ mình mà chạy, cứ tưởng là sợ cáo. Nay nhà Vua nước mạnh, quân nhiều mà Vua giao cả quyền thế cho Chiêu Hề Tuất, người phương Bắc sợ Hề Tuất, nhưng kỳ thực là sợ Vua cũng như bách thú sợ hổ vậy”.

Chiến Quốc Sách

LỜI BÀN:

Bài này cũng như bài ngụ ngôn “Lừa đội lốt sư tử” cốt ý nói những kẻ thần hạ mượn quyền thế người trên để hống hách, doạ nạt người ta. Nhưng nếu người ta không biết, thì người ta còn sợ, chứ khi “hổ mà thèm cỏ, lừa mà thò tai” thì chẳng những người ta đem lòng khinh bỉ, mà người ta còn làm cho đê nhục để cho bõ ghét.

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ) 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.