Người họ Điền nước Tề sắp phải đi xa, làm tiệc để cáo biệt anh em. Khách mời kể có nghìn người. Cỗ bàn đủ các thứ sơn hào hải vị. Lúc ăn đến món chim, món cá, người họ Điền trông thấy, nói rằng: “Trời đãi người hậu thật! Sinh ra thóc lúa, sinh ra chim cá, không thiếu thứ gì, để cho người dùng”. Bao nhiêu khách ăn đồng thanh khen câu nói ấy là phải. Duy có đứa con họ Bảo, tuổi mới mười hai, đứng dậy nói rằng:
– Cứ như ý tôi thì câu nói ấy là không phải. Muôn vật trong trời đất là cùng sinh với ta, cùng một loài như ta, không có gì sang hay hèn cả. Sang hèn mà phân biệt, chẳng qua là các loài chế lẫn nhau, lớn nuốt nhỏ, khôn đè dại, khoẻ lấn yếu mà thôi. Chớ nào có phải trời vì loài này mà sinh ra loài khác đâu! Người ta cái gì ăn được thì lấy mà ăn, chớ trời nào lại vì người mà sinh ra ăn thứ nọ thứ kia?
Cứ theo lý ấy, ruồi muỗi hút máu người, hổ lang ăn thịt người, thì có nói được rằng trời vì những giống ấy mà sinh ra người không?
Liệt Tử
Lời bàn:
Người ta ở trong khoảng trời đất thường hay tự phụ mình làm chủ cả muôn vật: vì mình mà muôn vật phải sinh, vì mình mà cây thóc mọc mà con lợn béo, mà con tằm nhả tơ, con ong gây mật, cho đến cả mặt trời sáng ban ngày, ngôi sao lóng lánh ban đêm. Nhưng xét lại, thì loài người chẳng qua cũng chỉ là một loài cùng sinh, cùng sống như muôn loài trong trời đất. Loài người sở dĩ hơn muôn vật là chỉ hơn có một chút trí khôn mà thôi. Nên câu nói như đứa bé họ Bảo mới thực là cao, rộng, hiểu được cái lẽ vạn vật, tịnh sinh ở đời vậy.
(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)