Vùng Cẩm Khê, Sơn Tây cũ, nay thuộc về Phú Thọ, Vĩnh Phú. Đất ấy có xã mang tên chữ là Ký Chế, tên Nôm là Cấy Chấy. Cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, ở Cấy Chấy có người tên là Đỗ Duy Trung vốn là cựu thần của nhà Trần. Năm 1400, họ Hồ cướp ngôi họ Trần, Đỗ Duy Trung lấy đó làm điều căm tức. Thế rồi khi quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến chống Minh do nhà Hồ lãnh đạo nhanh chóng bị thất bại, Đỗ Duy Trung lập tức đầu hàng và cam phận làm tay sai cho quân Minh.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ 46) có đoạn chép về Đỗ Duy Trung như sau:
“Trước đây, bọn tên Huân đầu hàng nhà Minh, được tướng giặc là Trương Phụ xuống trát, cho Huân chức Tham nghị, Nhữ Hốt làm Tri châu Thanh Hóa, còn Duy Trung thì cho giữ chức Tri phủ Tam Giang. Đến đây (mùa xuân năm Bính Thân, 1416 – ND) bọn này mang vàng bạc cùng các thứ sản vật địa phương, đi đến tận Yên Kinh (kinh đô của nhà Minh – ND), xin vào bái yết. Vua nhà Minh khen ngợi bèn sai đổi trát của Trương Phụ cấp cho chúng trước kia bằng sắc phong chính thức của triều đình, lấy giấy vàng của Bộ lại để viết sắc phong ấy. Cả bọn đều được thăng chức. Vua Minh nhân đó dụ bảo chúng rằng:
– Trước đây, khi bình định được Giao chỉ (chỉ nước ta – ND) chúng bay đã dốc lòng thành mà theo việc nghĩa, đến xin quy phụ với thiên triều, nay lại đến cửa khuyết để xin vào bái yết, trẫm cảm lòng thành ấy mà đặc ân ban khen cho. Chúng bay cần phải cố gắng trung thành và mẫn cán hơn nữa, một lòng kính giữ tiết tháo của kẻ làm tôi, với dân thì phải biết vỗ về, sao cho muôn phương được an nghiệp để cùng hưởng thái bình, như thế thì đấng cao xanh sẽ phù hộ cho chúng bay được hưởng tước lộc, để lại cho con cháu mãi mãi cũng chẳng hết.
Sau, bọn tên Huân lại sai người sang Yên Kinh để tự nguyện giúp xây cung điện, vua nhà Minh thấy chúng đi xa khó nhọc, khổ sở trăm bề, nên sai cho ban thưởng rồi trả về”.
Nhận xét về hành vi của bọn Đỗ Duy Trung, các sử gia thời Nguyễn, tác giả của bộ sách nói trên, đã có lời phê rất nghiêm khắc như sau: “Mất hết lương tâm, nay, một lũ người ở Nam kỳ cũng giống như thế” (tờ 45).
Sách Đại việt thông sử (trang 226) cho biết thêm: “Khi vua Thái tổ bình định thiên hạ, Duy Trung cùng kế mới chịu hàng, y lại cùng bọn Trần Phong, Nhữ Hốt mưu phản liền bị giết ngay”.
Lời bàn:
Chống nhà Hồ là việc riêng của Đỗ Duy Trung, nhưng phản quốc và làm tay sai cho giặc là tội không thể tha thứ được. Sử thần thời Nguyễn ví Đỗ Duy Trung với “một lũ người ở Nam kỳ” (ý chỉ bọn Tôn Thọ Tường) thì thật là chưa thấy hết tính chất đầy nguy hiểm của những hành vi mà Đỗ Duy Trung và đồng bọn đã làm vậy.
Lê Lợi làm nên cuộc đại định, lại còn mở lượng hải hà mà bao dung, cơ may cho một cuộc đổi đời của chúng đã đến, vậy mà rồi chứng nào vẫn tật ấy, bị giết là phải lắm.
Phàm ở đời, làu thông thiên kinh vạn quyển mà quên hai chữ ái quốc thì chưa thể gọi là bậc trí giả. Quên hai chữ này thì không phải là lỗi mà thực là tội. Đã được nhắc cho nhớ mà lại không thèm nhớ thì đúng là đại tội. Lê Lợi trị bằng lưỡi gươm chưa đủ, cho nên miệng thế đời đời mới góp lời để trừng trị đó thôi. Lưu danh sử sách kiểu Đỗ Duy Trung và đồng bọn, nhục nhã lắm thay!
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)