Hành động đê tiện ấy, trừ vợ con hắn và mấy kẻ bên phủ chúa, còn thì chẳng có ai ưa.
Một buổi sáng, Đặng Kim khăn áo chỉnh tề sang chầu bên phủ chúa. Vừa ra khỏi cổng thì thấy trên tường vôi trắng nhà mình có một bức tranh thuỷ mặc. Đến gần xem, thấy vẽ một cây cổ thụ, cành lá trơ trụi, thân cây xiêu hẳn về một phía, mà gốc rễ thì cơ hồ cũng sắp bong lên khỏi mặt đất; phía trên, ở một chạc ba, có một con khỉ nằm ngủ say li bì. Bên cạnh có đề hai câu thơ nôm theo lối lục bát như sau:
Khỉ ơi tỉnh dậy đi thôi!
Đừng chờ cây đổ đi đời nhà mi…
Nguyên chữ “hầu” là tước hầu cũng đồng âm với “hầu” là con khỉ. Vì thế, chữ “khỉ” ở bài thơ đây rõ ràng là ám chỉ vào quan hầu tước Đặng Kim chứ còn ai nữa! Họ Đặng xem xong, lạnh toát người, giật mình tỉnh ngộ.
Liền sau đó y kiếm cớ cáo quan về nhà, lại lấy lại họ tên cũ của mình, hàng ngày chỉ đọc sách ngâm thơ, tuyệt nhiên không đả động gì đến công việc triều chính.
Nhờ đó, khi Trịnh Khải đổ. Đặng Kim được thoát nạn không vướng phải cái chuyện cháy thành vạ lây nữa. Đặng cố hết sức tìm hỏi cho ra ai là người đã dán bức tranh và viết câu thơ trước cổng nhà mình, không phải để kiếm chuyện mà chính là để đền ơn, nhưng tìm mãi không ra tông tích người nào.