Chân tướng Phạm Du

Lý Cao Tông muốn dùng cận thần trấn giữ ở các địa phương, mong lấy đó làm chỗ dựa để yên tâm mà hưởng lạc. Năm Mậu Thìn (1208), quan thượng phẩm phụng ngự Phạm Du được vua cất nhắc trong trường hợp đó. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 18-a) chép rằng:

“Vua lấy Phạm Du coi việc quân ở Nghệ An. Du nói với Vua rằng:

– Nay thiên hạ rối loạn, bọn gian tặc nổi dậy khắp nơi, hoặc có kẻ ghen ghét với thần mà làm loạn, thì đầu thần còn khó giữ nổi huống chi là ân đức của bệ hạ ban cho. Xin bệ hạ để tâm một chút, cho phép thần được tuyển bọn trai tráng để tự đề phòng, hầu tránh tai vạ.

Vua bằng lòng. Du bèn chiêu tập bọn vong mệnh, tụ tập bọn giặc cướp, gọi là hậu binh, ngang nhiên cướp bóc, không sợ hãi gì cả. Giặc cướp do đó mà nổi dậy như ong”.

Lời bàn: Là cận thần, Phạm Du biết rõ vua Lý Cao Tông thực chỉ là một tên hôn quân chuyên bòn rút của thiên hạ. Vua cần đến những kẻ như Phạm Du để làm vây cánh, thì Phạm Du cũng cần một lũ lâu la để làm vây cánh cho mệnh.

Cũng sách trên đã cho biết thêm rằng, một hôm, vua Lý Cao Tông đi chơi ở ao Ứng Minh, nghe tiếng dân kinh thành kêu la vì bị cướp nhưng nhà vua vẫn chăm chú vào cuộc vui, vờ như là không hay biết gì. Vua chà đạp lên sinh linh trăm họ, bảo kẻ cận thần như Phạm Du làm khác sao được ? Rốt cuộc, chỉ có dân là đau khổ khốn cùng. Thương thay !

(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.