Hôm nay, 30/12/1972, tròn 51 năm trước, kết thúc chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” – chấm dứt 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc của quân lực Hoa Kỳ (người Mỹ gọi là Chiến dịch Linebacker II).
Vài số liệu nhắc lại:
1. Không lực Hoa Kỳ: Theo Karl J. Eschmann, Mỹ đã huy động:
– Gần 50% B-52 của toàn nước Mỹ (197 trên tổng số 400 chiếc). Thực tế xuất kích 741 lần, 12 phi vụ bị hủy nên còn 729 lần ném bom.
– Gần 1/3 số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077 trên tổng số 3.041 chiếc – tức 100% lực lượng không quân của Mỹ tại khu vực Châu Á). Thực tế xuất kích 3.920 lần.
– 1/3 số tàu sân bay (6 trên tổng số 17 chiếc), cùng nhiều tàu chỉ huy – dẫn đường, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu radar, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu,…
– Tập đoàn không quân 7 và 8 (Seventh air force và Eighth air force): trong đó có các liên đội không quân chiến lược B-52 (Strategic Wing) số 43 và 72 đóng tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam gồm 143 chiếc B-52G, B-52D và liên đội không quân chiến lược số 307 gồm 54 máy bay B-52D đóng tại căn cứ Utapao (Thái Lan); 6 liên đội không quân chiến thuật (Tactical Fighter Wing) gồm 455 máy bay đóng căn cứ tại các căn cứ không quân Ubon Korat và Takhli trên đất Thái Lan, 2 liên đội 124 máy bay đóng tại miền Nam Việt Nam (Đà Nẵng).
– Không đoàn đặc nhiệm 77 (Task force 77) là các máy bay trên các tàu sân bay của hải quân gồm 6 liên đội với 420 máy bay trên các tàu sân bay:
+ USS America (CV-66): liên đội số 8 (Carrier Air Wing gồm các máy bay F-4, A-6, A-7.
+ USS Enterprise (CVN-65): liên đội 14 (F-4, A-6, A-7)
+ USS Midway (CV-41): liên đội 5 (F-4, A-7)
+ USS Oriskany (CV-34): liên đội 19 (F-8, A-7)
+ USS Ranger (CV-61): liên đội 2 (F-4, A-6, A-7)
+ USS Saratoga CV-60: liên đội 3 (F-4, -6, A-7)
2. Quân đội nhân dân Việt Nam
Việt Nam đã tập trung phần lớn lực lượng phòng không chủ lực cho chiến dịch, bao gồm 3 Sư đoàn Phòng không: 361, 363, 375 với 23 tiểu đoàn tên lửa SA-2 (60% toàn lực lượng); 13 trung đoàn pháo cao xạ (50% toàn lực lượng); 4 trung đoàn không quân (100% toàn lực lượng); 4 trung đoàn rađa (80% toàn lực lượng); 3 trung đoàn, 2 tiểu đoàn phòng không của các quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn sông Hồng. Ngoài ra, còn có 346 đội phòng không của dân quân, tự vệ với 1.428 khẩu pháo hoặc súng máy phòng không. Tổng cộng đã có 54.000 chiến sỹ và dân quân tham gia các hoạt động chiến đấu hoặc vận tải.
– Phòng không:
+ Sư đoàn 361 bảo vệ Hà Nội. Các đơn vị trực thuộc gồm 3 trung đoàn tên lửa SA-2 (có 1 trung đoàn thiếu) và 5 trung đoàn cao xạ.
+ Sư đoàn 363 bảo vệ Hải Phòng, biên chế gồm 2 trung đoàn Tên lửa SA-2, mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn hỏa lực, 1 tiểu đoàn kỹ thuật trong tư thế sẵn sàng chiến đấu; 1 trung đoàn cao xạ và 1 cụm tiểu cao.
+ Sư đoàn phòng không 365, có nhiệm vụ bảo vệ khu vực từ Nam đồng bằng Bắc bộ đến Quảng Bình, biên chế gồm 3 trung đoàn tên lửa và 3 trung đoàn cao xạ. Trong đó, chỉ có 6/12 tiểu đoàn hỏa lực tên lửa trong tình trạng đủ khí tài sẵn sàng chiến đấu.
+ Sư đoàn phòng không 375, có nhiệm vụ bảo vệ đường 1 Bắc từ Bắc Giang đến Đồng Mỏ, khu công nghiệp Thái Nguyên và tuyến đường sắt Vĩnh Yên – Lào Cai, biên chế gồm 1 trung đoàn tên lửa và 5 trung đoàn cao xạ.
– Không quân: Các trung đoàn “Sao Đỏ”, “Yên Thế”, “Lam Sơn”, được trang bị các máy bay MiG-21, MiG-19 và MiG-17, với 31 chiếc MiG-21 và 16 chiếc MiG-17 trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
– Radar cảnh giới quốc gia: Các trung đoàn “Phù Đổng”, “Sông Mã”, “Ba Bể”, “Tô Hiệu” và Tiểu đoàn 8
– Dân quân tự vệ phòng không: Gồm 364 đội với 1428 khẩu súng hoặc pháo các loại. Trong đó có 769 khẩu trung-đại liên (RPD, RPK, PK…); 284 khẩu trọng liên 12,7mm; 263 khẩu trọng liên 14,5mm; 61 khẩu pháo cao xạ 37mm; 19 khẩu pháo cao xạ 57mm, 32 khẩu pháo cao xạ KS-19 100mm.
Kết quả:
Trong 12 ngày đêm của chiến dịch Linebacker II, Mỹ đã đưa 663 lượt B.52 tấn công miền Bắc, 3.920 lượt máy bay chiến thuật, rải khoảng 10 vạn tấn bom (riêng Hà Nội chịu khoảng 4 vạn tấn), trung bình 33,33 tấn bom / 1 km2. Gấp 6 lần nước Đức trong chiến tranh thế giới thứ 2 và gấp 90 lần nước Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Mỹ đã đánh phá 4 thị trânhs, 67 xã ngoại thành, 37 khối phố nội thành, 53 lần vào hệ thống cầu giao thông. Phá hủy 7/9 ga xe lửa, 4/5 cầu; 4/5 phà, 5 bệnh viện. Làm chết 2.380 người, bị thương 1.355 người.
Thương vong về quân sự không rõ. 3 MiG-21 bị bắn rơi.
– Số lượng máy bay Mỹ bị bắn hạ:
+ Thiệt hại của Không quân Mỹ theo phía Mỹ công bố là 11 chiếc B-52 đã bị bắn rơi trên lãnh thổ Bắc Việt Nam, 5 chiếc khác rơi tại Lào hoặc Thái Lan. 26 phi công B-52 được cứu thoát, 33 người khác bị chết hoặc mất tích, 33 bị bắt làm tù binh chiến tranh. Đồng thời không quân chiến thuật Mỹ mất 12 máy bay (2 F-111, 3 F-4, 2 A-7, 2 A-6, 1 EB-66, 1 trực thăng cứu hộ HH-53 và 1 máy bay RA-5C), 10 phi công chiến thuật bị chết, 8 bị bắt, và 11 được cứu thoát. Trong số 28 máy bay cả B-52 và chiến thuật bị bắn rơi, 17 trường hợp do trúng tên lửa SA-2, 3 trường hợp do bị máy bay MiG tấn công vào ban ngày, 3 do pháo phòng không, và 3 trường hợp không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, số liệu của không quân Mỹ bị nghi ngờ do cách tính thiệt hại của họ có phần mập mờ. Nếu một chiếc máy bay bị hư hỏng nặng, nhưng vẫn quay về được sân bay, thì Mỹ sẽ không tính chiếc máy bay đó bị tiêu diệt, ngay cả khi nó bị hỏng nặng tới mức không thể bay trở lại. Trong chiến dịch, Không quân Mỹ nói với báo chí rằng 17 chiếc B-52 đã bị mất. Sau đó, Không quân Mỹ lại báo cáo với Quốc hội rằng chỉ có 13 chiếc B-52 bị mất. Chín chiếc B-52 trở về sân bay U-Tapao bị hư hỏng quá nặng để có thể bay trở lại. Số lượng B-52 hư hại quay về được sân bay đảo Guam thì vẫn chưa được biết. Như vậy, số B-52 bị mất (rơi tại chỗ hoặc hỏng nặng không thể bay trở lại) có lẽ là từ 22 đến 27 chiếc.
+ Theo số liệu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổng cộng trong 12 ngày đêm có 81 máy bay các loại bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52 (có 16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111 (có 2 chiếc rơi tại chỗ)[58], ngoài ra còn có 21 chiếc F-4 Phantom, 4 chiếc A-6, 12 chiếc A-7, 1 chiếc F-105D, 2 chiếc RA-5C, 1 chiếc trực thăng HH-53, 1 chiếc máy bay trinh sát không người lái 147SC. Trong số 34 B-52 bị bắn rơi, 23 chiếc là do lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội bắn rơi, 11 chiếc khác do lực lượng phòng không các tỉnh / thành phố khác bắn rơi.
Tác giả : Tat Dat Hua