CHƯƠNG THỨ V
Sự thịnh vượng của xứ Đông-dương trong khi bên Âu-châu có việc chiến-tranh.
Trong khi Âu-châu đại-chiến, nước Pháp và đồng-minh hết sức làm cho bên Á-Đông được thái-bình và thịnh-vượng.
Không có một dân-tộc nào ở ngoài dám xâm-chiếm bờ cõi Đông-Dương, những bọn giặc Tàu mon-men ở biên-thùy bị đánh đuổi cả. Ấu-vương An-nam thấy trong nước mênh-mông rộng rãi của mình chỉ còn có 180 người lính Pháp canh giữ, nghe những người bàn luận sằng, định khôi-phục lại nước, tưởng là dễ lắm. Những quần-thần đều từ chối không theo, nên Ấu-vương bị mất ngôi rồng. Trong năm năm trời lòng trung-thành của nhân-dân không hề thay đổi.
Tuy tất cả người Pháp đều tận-tâm cứu-quốc nhưng nước Pháp cũng xin cõi Đông-Dương giúp cho 120.000 lính thợ và 30.000 lính trận. Trong số 150.000 người đều mộ trong đám dân nghèo, vài năm về sau, lúc trở về nước nhà, đều khỏe-mạnh tráng-kiện, có tiền để dành, nhiều người lại học được cả nghề riêng.
Ở Đông-dương, lại phải làm cho bọn lính thợ đó có việc làm. Vì thế nên trong những xưởng của người Pháp đã dựng sẵn, hay là vì mục đích này mà mở thêm ra, lấy những lính thợ này vào làm việc. Trong bọn thợ này sau có người trở nên các ông chủ. Kể từ lúc đó sắp đi thì có nhiều xưởng và cửa hàng người bản-xứ mở ra như thợ may quần áo tây, thợ đóng giầy tây, người bán tạp hóa, người đóng hòm, thợ làm đồ ngựa, người bán đồ sắt. Trước khi có chiến-tranh thì ở Hà-nội không thấy có những hạng người này. Người trong xứ lại chế-tạo được những đồ cần dùng mà trước vẫn phải mua ở Âu-châu.
Nhờ về sự kiên-nhẫn và cách giậy dỗ có phương-pháp của những người quản-đốc Thương-mại bảo-tàng viện (Musée commercial) ở Hà-nội nên những người nhà quê An-nam thành ra những tay thợ tài khéo trong những nghề mới. Những người thợ tài khéo này khi về làng lại giậy cái nghề của mình học được cho những người khác. Nhiều nhà buôn của người Pháp ở đây mua đồ làm được của bọn người này đem sang Âu-châu bán. Thế là cái kỹ-nghệ ở gia-đình và ở trong làng được phát-đạt thịnh-vượng vậy.
Một nhà máy xay thóc ở Sốc-Trang (Nam-Kỳ).
Về năm 1918 ở Hà-nội mở ra cuộc hội-chợ hàng năm. Cuộc hội-chợ này làm cho nhiều người biết sự tiến-bộ của những thợ tài khéo An-nam và Cao-mên và lại là một việc khuyến-khích cho thợ thuyền vậy.
Về dịp Âu-châu đại-chiến, người Pháp ở đây tuy ít nhưng cũng mở ra nhiều xưởng kỹ-nghệ mới. Những xưởng kỹ-nghệ này tuy chưa được hoàn-thành tất cả, nhưng cũng đủ gây thành bọn thợ giỏi bản-xứ. Trong mấy năm về sau nhiều người An-nam làm những việc thầu khoán rất quan-trọng.
Nhiều người An-nam chiếm được những nghề rất lợi như việc dẫn-thủy nhập điền, làm đường sá và xây những công sở. Những công việc này cần phải có nhiều tiền thì người An-nam đã nhờ được những nhà ngân-hàng của người Tây giúp đỡ.
Bắt đầu từ thời-kỳ đó hạng trung-lưu An-nam xem ra là một hạng người quan-trọng trong xứ. Ngày xưa thì làm gì có cái hạng người trung-lưu ấy đứng ở giữa, dưới thì hạng nhà quê, bị ngăn cấm không được làm giầu, trên thì hạng nhà nho và quan-trường, rất khinh-bỉ nghề làm bằng tay, thương-mại và kỹ-nghệ.
Ngày nay nhân-dân biết quý trọng nghề-nghiệp và biết su-hướng về đường buôn-bán. Việc chế nghĩ ra việc gì mới lạ và làm việc gì thành lập đều được ân thưởng. Vì thế nên đã thấy nhiều người An-nam thông-thái có thể đóng một vai trong đám quan-trường, ra đứng đầu những nhà buôn bán hay là những xưởng kỹ-nghệ to.
Nhất là ở Hà-nội lại mới sản ra một hạng tiểu-trung-lưu rất đông-đúc như người bán tạp-hóa, thợ nguội, thợ húi tóc, thợ đóng giầy, thợ thêu, người bán hàng cơm tây, người thầu khoán, người vận-tải, thợ trồng răng, thợ chụp ảnh, vân vân.
Hạng tiểu-trung-lưu này là cái chứng cớ tỏ ra rằng nhân-dân rất là cần-mẫn trong việc làm ăn. Hạng tiểu-trung-lưu này cần-kiệm, xây nhà cửa, tậu ruộng-nương và có tiền gửi nhà ngân-hàng nữa. Thật là một cái sức mạnh cho sự trật-tự của xã-hội, vì rằng trong xứ mà thái-bình thì những người ấy đều được hưởng lợi-lộc cả.
Trên hạng tiểu-trung-lưu này có một hạng trung-lưu, ngày xưa ở xứ này cũng không có, là hạng đứng vào giữa hạng tiểu-trung-lưu và phái nhà nho.
Hạng trung-lưu này là những tham-tá chuyên-môn, những kỹ-sư học ở Pháp về, những chủ đồn-điền và những thực-dân theo gương người Tây, những người buôn tầu, những nhà kỹ-nghệ quản-đốc những nhà máy tối-tân.
Hạng trung-lưu này hưởng tiền của của mình chẳng sợ hãi như xưa, lại được Chính-phủ tôn-trọng. Hạng này lại đại-diện cho nhân-dân trong những hội-đồng tuyền người bản-xứ họp và trong những hội-đồng có lẫn cả người Tây họp, như phòng Thương-mại và hội-đồng thành-phố. Sự hoán-cải ấy nhất là từ năm 1914 đến ngày nay có nhiều hiệu quả hay, làm ngăn ngừa được việc phiến-loạn của một vài gã thiếu-niên không từng-trải việc đời và khờ-dại gây ra. Nếu họ gây ra sự phiến-loạn ấy với những kẻ không từng-trải việc đời bằng họ và khờ dại hơn họ thì may ra việc mới thành công.
Trong khi bên Âu-châu chinh-chiến, người Pháp ở Đông-dương rất ít mà không nản lòng ngã trí lại đem nghị-lực ra làm việc đến nỗi cái kết quả trong các giới đều được phi thường cả. Sự tiến-bộ ở Đông-dương là sự tiến-bộ một xứ được hưởng sự thái-bình.
Quan toàn-quyền Sa-Lộ rất chú-ý đến việc học trong xứ và đến việc giữ gìn sức khỏe cho nhân-dân.
Thi hương chỉ còn đến năm 1915 thôi, và việc bãi thi hương là Chính-phủ Pháp theo như lòng yêu-cầu của người An-nam. Từ trước đến khi đó Chính-phủ Pháp không muốn xâm-phạm đến sự kiến-thiết cổ ấy ở xứ này.
Việc đem nền giáo-dục theo mẫu mực Tây-phương thay vào nền giáo-dục cổ thật là khó khăn lắm vậy.
Như việc mở ra những trường đại-học trước khi dậy cho nhiều trẻ biết những điều sơ-lược về khoa-học thì rất là nguy-hiểm. Lại có nhiều người muốn rằng việc dậy học chữ Pháp phải phổ-thông cho cả mọi người. Việc này có lẽ đến nhiều đời nữa mới có hiệu quả hay. Lại có nhiều người khác muốn rằng việc dậy những điều kiến-văn sơ-lược nên dùng tiếng thông-thường trong quốc-dân song cái tiếng này dùng vào nền học tối-tân chưa được đủ cho lắm.
Việc do-dự này đã làm chậm những kết-quả hay và làm cho nhiều người không có lòng kiên-nhẫn phẩm bình.
Trường Cao-đẳng ở Hà-nội tổ-chức lại. Hai trường thuộc vào trường Cao-đẳng như trường Công-chính và trường Thuốc, tuy số học-sinh hàng năm lấy vào ít những cũng đã có nhiều kết-quả hay.
Khi quan toàn-quyền Sa-lộ còn trọng-nhậm xứ này, những trường sư-phạm để đào-tạo giáo-học và những trường dự-bị dậy các học-sinh vào trường Cao-đẳng có một cái kết-quả rất hay.
Cũng nhờ được quan toàn-quyền ấy mà ở Hà-nội có một trường Trung-học Tây (Lycée de Hanoi), trường này có thể so-sánh với những trường rất đẹp ở bên Pháp cũng chẳng kém gì.
Một nhà bác-học Nam-kỳ: Ông Pétrus Trương-vĩnh-Ký.
Một nhà máy cao-su ở Nam-kỳ.
Về việc đề-phòng bệnh-tật cho công-chúng, Chính-phủ cũng chú-ý lắm. Chính về thời-kỳ ấy, một nhà thương chữa mắt mở ra ở Hà-nội. Bệnh đau mắt thật là một vết thương cho cõi Đông-Dương này vậy. Cái y-viện mới này mở ra mục-đích để dậy cho tất cả mọi người thành ra những viên thầy thuốc bản-xứ sau này biết cách-thức chữa bệnh đau mắt cho nhân-dân.
Tuy số kỹ-sư ở đây rất ít nhưng những công việc to tát làm cũng rất là nhanh chóng. Về thời-kỳ ấy Chính-phủ cũng đã hết sức mở mang đường sá. Chính-phủ cho sửa sang và lát đá con đường quan-lộ giài 2400 ki-lô-mét, nối bờ cõi nước Tàu đến bờ cõi nước Xiêm, và cho bỏ thầu làm rất nhiều cầu cống. Vì thế nên xe ô-tô càng ngày càng nhiều thêm ra, và những người nhà quê nhiều lúc có thể chở hàng hóa bằng xe bò thay cho sự gồng gánh.
Bọn thực-dân Pháp hết sức mở-mang việc trồng giọt nhất là việc trồng cao-su. Việc trồng cao-su ngày nay thật là một mối lợi rất lớn của xứ Nam-kỳ. Ngày nay xứ Nam-kỳ hàng năm sản được 7000 tấn cao-su, giá bán bằng giá 140.000 tấn gạo.
Trong khi chiến-tranh thì những mỏ và những nhà máy ở Bắc-kỳ cũng được khuếch-trương ra nhiều.
Sự tiến-bộ xứ Cao-mên từ trước đến khi đó hình như không tiến. Xứ Cao-mên cũng bắt đầu mở-mang đường sá, việc trồng giọt và kỹ-nghệ bông và lụa cũng mở-mang hơn trước nhiều.
Sau nữa thì cũng về lúc ấy những đường-sá ở xứ Lào mở mang ra nhiều. Những con đường này sắp làm cho xứ Lào giầu có thêm lên và làm cho hàng nghìn gia-đình An-nam có thể mua tậu đất cát và buôn bán rất là thịnh-vượng.
Hội chợ Hà-nội và Thương-mại Bảo-tàng-viện.