Sách Đại Việt sử lược (quyển 3 tờ 16-b) mô tả nhân cách của vua Lý Cao Tông như sau:
“Vua rất ham của cải lợi lộc, lấy việc bán quan buôn ngục làm chính sự. Hai người nào mà tranh nhau ruộng đất hay sản vật, hễ có một người đem của dâng nạp trước rồi thì vua chẳng hỏi tình lí phải trái thế nào, đều thu mà sung công cả, vì thế mà kho đụn của nhà nước của cải chất như núi, còn bách tính thì kêu ca, oán thán, giặc cướp nổi lên như ong”.
Vì nước đại loạn nên từ năm Bính Dần (1206) trở đi, vua Lý Cao Tông chỉ tổ chức những cuộc vui chơi quanh quẩn trong kinh thành chứ không dám đi xa. Mặc dù thế, mức độ hoang phí cũng không hề giảm bớt. Cũng sách trên (tờ17-a) đã kể một câu chuyện xẩy ra trong lúc vua rong chơi như sau:
“Năm đó, trong nước đã loạn lạc mà vua thích rong chơi. Đường sá ngăn trở, không đi xa được, vua bèn sai làm hành cung Ứng Phong và Hải Thanh ở ao Ứng Minh, hàng ngày đem bọn cận thần, cung nữ đi chơi bời làm vui. Lại lấy thuyền to làm thuyền ngự, lấy các thuyền bé chia làm hai đội, sai bọn cung nữ, phường tuồng chèo thuyền, vua dẫn bọn tả hữu bắt chước nghi vệ như khi vua ngự đi chơi đâu vậy. Lại lấy sáp ong bọc những tấm lụa và các thứ hải vật thả xuống ao rồi sai người lội xuống mò lên, giả làm đồ dưới long cung đem dâng. Quần thần thấy vua rong chơi vô độ đều sợ hãi không dám nói. Có tên phường tuồng là Vũ Cao nói dối thượng phẩm phụng ngự là Trịnh Ninh rằng:
– Có hôm Cao qua chơi bên bờ ao, đến trước gốc cây muỗm, thì thấy có một người lạ cầm tay dắt đi vòng bờ ao rồi dẫn Cao đi xuống nước. Cao sợ chết đuối nên không dám tiến. Một lát, nước ao tự dưng rẽ ra, Cao bèn đi xuống. Đi đến một nơi, thấy cung điện nguy nga, thị vệ nghiêm chỉnh. Cao hỏi đó là chỗ ai ở, người đó bảo rằng đó là chỗ ta ở để cai quản ao này. Người đó bèn sai dọn mâm cỗ, cùng Cao uống rượu. Rượu rồi, Cao tạ ơn xin về. Người đó đưa tặng cau và tiễn ra tận gốc cây muỗm. Đến đó, bỗng người đó biến mất, mà cau cầm trong tay thì đã hóa ra đá. Từ đó Cao mới biết trong ao có thần.
Ninh lấy làm kinh dị, bèn tâu vua. Vua nghe nhưng không sợ hãi gì cả mà sai lấy sắt để yểm thần”.
Lời bàn :
Cả một triều đình quan lại lớn nhỏ cũng bằng thừa, chỉ có anh phường trò Vũ Cao là nói lời đáng nói. Là phường trò, anh chỉ có thể bịa chuyện để gián tiếp nhờ người hầu cận can vua. Và thế cũng là quý lắm rồi.
Bắt chước Khuất Nguyên xưa, người kể chuyện cũng xin gõ bút xuống bàn mà hát rằng:
Hôn quân say hề ngao du đó đây,
Tiến của dân hề tan như khói mây,
Trăm quan lặng hề an thường thủ phận,
Chỉ Vũ Cao hề ấm ức dạ này.
Gánh nịnh nặng hề hai vai đại thần,
Câm điếc mù hề là đấng chăn dân,
Phường trò xót hề mặc phường trò xót
Thần dưới ao hề cứ mặc kệ thần.
(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)