Câu thứ nhất là của Trần Túc. Bấy giờ, Cao Tông muốn phung phí tiền của vào những cuộc ngao du đó đây, nhưng rồi vì đất nước loạn lạc, nhà vua chỉ có thể cùng đám cận thần và thị nữ đi rong chơi quanh quẩn trong kinh thành mà thôi. Một trong những địa điểm nhà vua hay đến là ao Ứng Minh, nơi nhà vua đã cho xây cất hai hành cung là Ứng Phong và Hải Thanh. Nhưng, ao Ứng Minh vừa nhỏ lại vừa nông, đến mùa đông thì nước ao thường khô cạn. Cao Tông nói với tả hữu rằng:
– Ai có thể làm cho nước sông dâng đầy ao được thì ta sẽ hậu thưởng.
Trần Túc nghe vậy liền tâu vua:
– Thần có thể làm được.
Vua bằng lòng, sai Túc làm phép cho nước sông dâng vào đầy ao. Nhưng kết quả là ao khô vẫn hoàn ao khô.
Câu nói láo thứ hai có lẽ còn láo hơn câu thứ nhất một bậc nữa. Câu này của Nguyễn Dư. Cũng sách trên chép rằng:
“Vua tính sợ sấm, mỗi khi sấm động thì sợ hãi. Có tên cận thần là Nguyễn Dư nói rằng hắn có phép giáng sấm. Gặp khi có tiếng sấm nổ, vua sai Dư giáng sấm. Dư ngẩng mặt lên trời đọc chú nhưng tiếng sấm lại càng lớn hơn, Vua căn vặn việc đó, Dư nói:
– Thần răn nó đã lâu, nào ngờ nó còn cường bạo như thế đó”.
Lời bàn:
Trần Túc và Nguyễn Dư, mỗi người để lại một câu nói láo đạt tới trình độ không tiền khoáng hậu. Đúng là gan cùng mình. Song, xưa nay đời vẫn cho thấy là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, vua ấy ắt phải có cận thần ấy, có gì lạ đâu. Dâng nước ao, ngăn tiếng sấm, những điều khó tin dường ấy chắc chỉ có Cao Tông mới tin, và vì tin mới cho làm thử, mà chỉ cần làm thử không thôi cũng đủ biết Cao Tông là người thế nào rồi !
(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)