“Thổ tù Đà Giang là Trịnh Giác Mật tụ họp dân để cướp bóc. Vua sai Nhật Duật đi đánh. Khi Nhật Duật đến Đà Giang, Giác Mật sai người đến quân doanh nạp thệ từ và nói: ”Giác Mật không dám trái lệnh triều đình, nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đi đến thì Giác Mật xin hàng ngay”. Nhật Duật nhận lời rồi đem năm sáu tiểu đồng cùng đi. Các tướng can ngăn, Nhật Duật nói : “Nếu y phản trắc thì triều đình sẽ có người khác đến, không cần phải lo”. Kịp khi Nhật Duật đến, man binh tay cầm gươm giáo, vây bọc mấy vòng, Nhật Duật vẫn đi thẳng vào doanh trại, Giác Mật mời ngồi. Nhật Duật am hiểu tiếng man, lại am hiểu cả phong tục của họ, ăn bằng tay, uống bằng mũi, người man thích lắm. Giác Mật liền đem cả gia thuộc đến doanh trại Nhật Duật xin hàng. Mọi người thấy thế, ai cũng vui vẻ kính phục. Khi về kinh, Nhật Duật dẫn cả Giác Mật và gia thuộc của y theo vào yết kiến Vua. Vua khen lắm. Sau, cho Giác Mật và vợ con về cho giữ lại một người con ở kinh sư.
Nhật Duật hết lòng yêu thương dạy dỗ, lại còn xin phong tước cho, sau cũng cho vẽ nổt”.
Trên đây là đoạn trích dịch từ sách Cương mục (chính biên, quyển 7, tờ 23). Sách Toàn thư cũng chép tương tự. Cả hai sách đều cho biết chuyện này xảy ra vào năm Canh Thìn (1280), đời vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293).
Lời bàn:
Dân có điều bất bình nên mới theo Trịnh Giác Mật nổi dậy. Nhưng, bất bình mà nổi dậy, chẳng qua cũng bởi có lắm điều triều đình chưa làm cho họ thông hiểu đó thôi. Có quân đội và vũ khí trong tay, làm cho dân sợ thì dễ, chứ làm cho dân tin thì chẳng dễ chút nào. Nhật Duật quả là bậc am hiểu lòng dân và tin dân hơn người. Quân Giác Mật reo vui và Giác Mật quy thuận triều đình cũng là phải lắm. Chuyện Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật thật đáng kể cho muôn đời suy ngẫm lắm thay!
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXBGD)