Công Thần Miếu Vĩnh Long

700px C%C3%B4ng Th%E1%BA%A7n Mi%E1%BA%BFuMột phần Công Thần Miếu Vĩnh Long

Công Thần Miếu Vĩnh Long tọa lạc trên đường 14 tháng 9, thuộc phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, Việt Nam.

Ngôi miếu nằm bên tả ngạn sông Cổ Chiên (cách bờ sông khoảng 100m, mặt tiền nhìn ra rạch Cái Sơn Bé nhỏ hẹp và sắp cạn). Trước 1975, đất này thuộc ấp Thanh Mỹ, xã Long Đức, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long.

Công Thần Miếu là nơi thờ tự các vị Nhiên thần và Nhân thần, theo tín ngưỡng của người dân nơi đây. Ngày 31 tháng 8 năm 1998, ngôi miếu đã được xếp hạng là di tích văn hóa cấp quốc gia theo quyết định công nhận số 1811/ QĐ của Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Lịch sử

19/11/2024 Thông tin chi tiết về Công Thần Miếu Vĩnh Long

Miếu Công Thần Vĩnh Long là hậu thân của miếu Hội đồng.

Miếu Hội đồng

19/11/2024 Công Thần Miếu Vĩnh Long

Theo Đại Nam nhất thống chí, miếu Hội đồng ở Vĩnh Long được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836) bên bờ sông Cổ Chiên, tại thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình (nay thuộc thành phố Vĩnh Long).

Miếu có lối kiến trúc kiểu đình làng Nam Bộ, kèo cột đều bằng gỗ lim, rui mè đều bằng thứ gỗ tốt, được chạm trổ khéo léo. Bên trong thờ 85 đạo sắc, tượng trưng cho 85 vị công thần các thời: Nhà Lê, chúa Nguyễn và nhà Nguyễn.

Câu đối bằng chữ Hán ở miếu đã nói lên ý nghĩa đó như sau:

扶黎阮八十五元勛, 壯氣象州天以北
平詹腊百千餘戰陣,名票鱗閣海而南

Phiên âm Hán-Việt:

Phù Lê-Nguyễn bát thập ngũ nguyên huân, tráng khí tượng châu thiên dĩ Bắc;
Bình Chiêm-Lạp bách thiên dư chiến trận, danh phiêu lân các hải nhi Nam.

Tạm dịch:

Phò Lê-Nguyễn tám mươi lăm vị công thần, tráng khí oai hùng vang trời Bắc;
Bình Chiêm-Lạp hơn trăm ngàn chiến trận, danh thơm lừng lẫy khắp biển Nam.

Hàng năm các quan đầu tỉnh thay mặt triều đình đến tế, theo điển lễ. Ngoài ra, nơi ngôi miếu tọa lạc còn là nơi chiến lược nên bên cạnh miếu, các quan chức nhà Nguyễn còn cho đào hào dựng lũy, lập đồn canh và bố trí nhiều khẩu đại bác. Cho nên có thể nói, ngôi miếu này vừa là nơi thờ phụng, vừa là đồn lính và cũng là chỗ khao quân (vì vậy ngôi miếu còn được gọi là Đình Khao).

Vào thời Minh Mạng cấm đạo gắt gao (không rõ năm), cũng chính nơi đây, Linh mục Phan Văn Minh đã bị quan quân bắt về hành quyết.

700px C%C3%B4ng th%E1%BA%A7n mi%E1%BA%BFu V%C4%A9nh Long.Gian thờ chính trong Công thần miếu

Năm 1859, thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng. Đến năm Đinh Mão (1867), thì họ đã chiếm xong toàn Nam Kỳ, trong đó có Vĩnh Long. Nhằm loại bỏ dấu tích của chính phủ Nam triều, nhà cầm quyền Pháp lấy cớ cần gỗ để xây cất Tòa bố (nơi làm việc của quan Tham biện), nên đã sai dân phu đến tháo dỡ miếu Hội đồng, kết thúc sau 50 năm tồn tại.

Những khẩu đại bác thì bị phá hủy, còn đồ thờ tự cùng 85 đạo sắc thì được người dân đem về gửi tại đình làng Thiềng Đức.

Miếu Công Thần

19/11/2024 Công Thần Miếu Vĩnh Long

Nguồn gốc

Năm 1915, lúc bấy giờ Đốc phủ Phạm Văn Tươi đang giữ chức Quận trưởng quận Châu Thành Vĩnh Long, vì cảm công nghiệp của tiền nhân, ông đã hô hào kêu gọi người dân trong tỉnh chung góp tiền của và công sức để dựng lại ngôi miếu thờ riêng 85 đạo sắc trên.

Hưởng ứng lời kêu gọi, điền chủ Nguyễn Văn Kỹ ở làng Thiềng Đức hỉ cúng một mẫu đất (cách vị trí miếu Hội đồng xưa hơn một cây số, nhưng gần trung tâm thành phố hơn). Bà Phủ Y (tức Trương Thị Loan, con gái Bá hộ Nọn) cũng là một điền chủ giàu có ở xã Long Châu, đã tự nguyện đứng ra ủng hộ số tiền trên 4.000 đồng (có nguồn ghi 3.000 đồng, lúc đó giá lúa chỉ 0$20/ giạ).

Ngoài đóng góp lớn lao trên, bà Phủ Y còn đi với bà Lê Thị Danh (vợ Đốc phủ Phạm Văn Tươi) đến gặp Chánh tham biện Vĩnh Long là Đại úy Loyis Pétillot, để xin phép khôi phục lại ngôi miếu. Nhờ ý kiến thuận của ông này, mà sau đó Soái phủ Nam Kỳ cũng thuận theo bằng nghị định số 1.793 ký ngày 27 tháng 4 năm 1918.

Sau khi ngôi miếu hoàn thành, để nhà cầm quyền Pháp dễ dàng chấp nhận việc thờ cúng và tụ hội, giới thân hào nhân sĩ đã thờ thêm những thanh niên ở Vĩnh Long bị chết trận khi sang Châu Âu tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất. Đồng thời, bà Phủ Y cũng đã lập thêm ở đây bàn thờ người cha chồng là ông Nguyễn Văn Phong, người Vĩnh Long, nguyên là Tổng đốc Thuận Khánh thời vua Thành Thái.

Kể từ đó, ngôi miếu có tên chính thức là Công Thần Linh Miếu (功臣霛廟), nhưng thường được gọi tắt là Công Thần Miếu hay miếu Công Thần.

Kiến trúc
700px %C4%90%E1%BA%A1i b%C3%A1c C%C3%B4ng Th%E1%BA%A7n Mi%E1%BA%BFu 2Một mảnh vỡ của khẩu đại bác cùng hai viên đạn thời Nguyễn đang được thờ tại miếu

Công Thần Miếu gồm có bốn gian: chính tẩm, võ qui, võ ca và nhà khách. Võ qui, võ ca và chính tẩm đều làm theo kiểu “tứ trụ”. Bộ giàn trò bằng danh mộc, kiên cố nhưng đơn giản. Ngôi miếu có tường gạch bao quanh, nền lót gạch, mái lợp ngói âm dương. Bên trong miếu công thần có rất nhiều hoành phi, câu đối từ các địa phương gần xa tiến cúng.

Cách bày trí thờ phụng trong miếu, tương tự như cách bày trí trong một ngôi đình làng ở Nam Bộ.

Các đạo sắc

Theo thông tin từ Website tỉnh Vĩnh Long, Công Thần Miếu (Vĩnh Long) là nơi duy nhất trong cả nước còn lưu giữ được 85 đạo sắc của nhà Nguyễn cấp dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức. Toàn bộ đều là phó bản vì các bản chính đều đã mất năm 1843.

Những đạo sắc ấy phong cho 34 thần hiệu. Có thần hiệu phong cho một vị thần nhưng cũng có thần hiệu phong cho hai hoặc ba vị thần:

  • 4 đạo sắc gia phong cho 4 Nhiên Thần Thượng Đẳng.
  • 4 đạo sắc gia phong cho 4 Nhiên Thần Trung Đẳng.
  • 5 đạo sắc gia phong cho 5 Nhiên Thần Hạ Đẳng.
  • 5 đạo sắc gia phong cho 5 Nhân Thần Thượng Đẳng
  • 11 đạo sắc gia phong cho 11 Nhân Thần Trung Đẳng.
  • 5 đạo sắc gia phong cho 5 Nhân Thần Hạ Đẳng.

-Các Nhiên thần gồm những biểu tượng văn hoá, những biểu tượng khí thiêng sông núi; được chia ba thành bậc: Thượng, Trung và Hạ; các biểu tượng này đủ màu sắc: Việt, Hoa, Chăm.

-Các Nhân thần là những danh nhân sinh tiền có công với dân tộc, có công với địa phương. Xa xưa nhất thì phải kể đến Phi Vận Tướng quân Nguyễn Phục, gốc là thầy dạy học và cũng là một công thần triều vua Lê Thánh Tông; ông được xem là một vị thần phù hộ người đi biển đã đưa đám lưu dân vào Nam lập nghiệp, được phong Trung Đẳng Thần…
Kế đến là Đô đốc Bùi Tá Hán (Nghệ An) người khai phá vùng đất Thừa Thiên, đời Lê Anh Tông; Tham tướng Lê Văn Chính, người khai phá vùng Phú Yên, đời chúa Nguyễn Hoàng,…. đều được phong Thượng Đẳng Thần. Những danh nhân có công lớn với đất Nam Bộ như Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, Chính Thống Nguyễn Cửu Vân, Phụ Quốc Đô đốc Trần Thắng Tài…cũng được phong Thượng Đẳng Thần.
Các danh nhân có công với vùng đất Vĩnh Long như Điều Khiển Nguyễn Cư Trinh, Chưởng cơ Nguyễn Khoa Kiên, Hữu Phủ Tống Phước Hiệp, Thống Suất Trương Phước Du cũng được phong Trung Đẳng hay Hạ Đẳng Thần…

Lễ hội

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, thì hằng năm, miếu Công Thần (Vĩnh Long) có các lễ hội chính như sau:
– Lễ Bầu Ông và lễ Thượng Nguyên (ngày rằm và 16 tháng Giêng).

– Lễ Xuân Tế (ngày 14 đến 17 tháng Hai)

– Lễ Hạ Điền (ngày rằm và 16 tháng Năm)

– Lễ Trung Nguyên (ngày rằm tháng Bảy)

– Lễ Thu Tế và Tết Trung Thu (ngày rằm và 16 tháng Tám)

– Lễ Thượng Điền và Hạ Nguyên (ngày rằm và 16 tháng Mười)

– Lễ Chạp Miếu (ngày rằm và 16 tháng Chạp)

– Lễ Tất Niên và Dựng Niêu (ngày 25 tháng Chạp)

Trong số các nghi lễ trên, lễ Hạ Điền và lễ Thượng Điền là thứ nghi lễ của đình làng ở Nam Bộ. Ngày ấy, người dân địa phương đến tế Thần Nông, Vũ sư, Phong bá và các vị thần linh khác để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Còn lễ Bầu Ông là thứ nghi lễ thời khai hoang lập ấp còn lưu truyền. Theo lời người xưa kể lại, thì thời đó dân làng không ai dám làm chức Trùm Cả, tức là chức vụ đứng đầu làng, vì phải dành cho cọp. Do vậy hàng năm các hương chức phải làm lễ Bầu Ông (Ông ở đây là cọp) để gửi một tờ cử mới bầu Ông tiếp tục làm người đứng đầu hương chức. Tục lệ này tuy có vẻ dị đoan, nhưng mục đích là nhằm trấn an lưu dân khi đến đây khai hoang lập nghiệp.

Tuy nhiên, lễ Xuân Tế là lễ quan trọng nhất tại miếu Công Thần. Lễ này kéo dài 4 ngày: 14 đến 17 tháng Hai. Đây là dịp người dân đến cầu quốc thái dân an, nên ngoài các nghi lễ truyền thống còn có các nghi lễ dân gian mang màu sắc Phật giáo và Lão giáo.

Lễ Xuân Tế còn là dịp để người dân họp mặt vui chơi, đàm đạo và xem hát bội.

Ngộ nhận

19/11/2024 Thông tin chi tiết về Công Thần Miếu Vĩnh Long

Theo Website tỉnh Vĩnh Long thì nhiều sách báo trước đây đã nói đến miếu Công Thần ở Vĩnh Long, nhưng tất cả đều bị bao phủ bởi các huyền thoại. Có người nói ngôi miếu này xây dựng vào thời Gia Long, thờ 85 vị Trung Hưng Công thần. Có tác giả lại chọn 85 vị công Thần triều Gia Long, thờ ở đền Hiển Trung thuộc Gia Định xưa, gán ghép vào .

Thông tin thêm

19/11/2024 Thông tin chi tiết về Công Thần Miếu Vĩnh Long

700px Ph%C3%A0 %C4%90%C3%ACnh KhaoBến phà Đình Khao bên sông Cổ Chiên

Theo Huỳnh Minh, tác giả sách Vĩnh Long xưa, thì bảy năm sau khi miếu Hội đồng bị triệt hạ, trên nền đất hoang phế đó, một ngôi chùa mới đã được dựng lên có tên là Bửu Lâm tự. Thời Thanh niên Tiền phong nổi dậy (1945), một viên thiếu úy Pháp dẫn lính đi ruồng bố, vướng phải lựu đạn nên vong thân. Tức giận, quân Pháp đã phóng hỏa đốt cháy trụi cả xóm, trong đó có chùa Bửu Lâm. Đến năm 1961, cư sĩ Mai Văn Nghiệp là người trong vùng, đã đứng ra quyên góp xây dựng lại chùa, và ngôi thờ này đã tồn tại cho đến ngày nay.

Và tên gọi Đình Khao ngày xưa, nay chỉ còn là tên của một bến phà: Bến Phà Đình Khao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.