Người đó là Nguyễn Hữu Tiến. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2) chép:
“Chúa cùng với Đào Duy Từ ngày đêm mưu tính việc chống lại họ Trịnh. Duy Từ mong có người hiền tài để tiến dẫn cho Chúa. Một hôm, Duy Từ nằm mộng thấy một con hổ đen từ phía Nam tiến vào, ông liền xua quân vây bắt. Bỗng, con hổ mọc cánh, nhảy lên không trung mà vừa bay vừa múa. Tỉnh dậy, Duy Từ ăn mặc chỉnh tề để ngồi chờ. Chợt có một người quê ở xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn xứ Thanh Hoa là Nguyễn Hữu Tiến (biểu danh là Thuận Nghĩa), từ phía ngoài vào, mình mặc áo đen, tay cầm quạt lông, đến bái yết dưới thềm. Duy Từ thấy dáng vẻ khác thường, hỏi thì xưng tên họ, hỏi tuổi thì nói sinh năm Nhâm Dần, lòng lấy làm vui mừng vì cho như thế là hợp với mộng, bèn giữ lại để đàm đạo. (Nguyễn) Hữu Tiến là người thông minh, khỏe mạnh và có mưu lược, Duy Từ rất yêu quý, đem con gái gả cho rồi tiến cử lên Chúa. Chúa cho (Nguyễn Hữu Tiến) làm đội trưởng, coi thuyền Địch Cần trong quân Nội Thủy. Hữu Tiến thường đêm đêm diễn tập quân lính. Một hôm, ở trong quân có kẻ làm trái luật, ông liền chém viên Kì trưởng (người lo giữ hiệu cờ trong quân đội xưa- ND) để giữ nghiêm mệnh lệnh, khiến cho toàn quân đều sợ. Duy Từ biết chuyện, lấy làm kinh ngạc, vội vào hầu Chúa. Lúc ấy Chúa đang đọc Chiến quốc sách (một tác phẩm của Trung Quốc- ND), nên (nhân có Đào Duy Từ vào, hai người) cùng bàn về binh pháp cổ kim. Duy Từ ung dung nói chuyện Tôn Võ Tử đang giảng giải về các phép chiến sự ở cung vua Ngô mà chém vợ yêu của Vua. Chúa nghe, khen vua Ngô là người quyết đoán, Tôn Võ Tử là người nghiêm, có thế mới dựng nên nghiệp bá. Duy Từ nhân đấy mới đem chuyện Hữu Tiến chém người Kì trưởng để xin tội, Chúa nói:
– Binh không đều thì giết, còn tội gì ?
Từ đó, Chúa thăng dần Hữu Tiến lên đến chức Cai đội, sĩ tốt ai ai cũng phục”.
Lời bàn:
Đã có lòng thành, lại luôn canh cánh nỗi lo tìm cho bằng được người hiền tài, thì sớm muộn thế nào người hiền tài cũng đến. Đào Duy Từ lo cả khi ăn khi ngủ nên mới có giấc mộng lạ đó thôi. Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa mộng và thực, nhiều lắm cũng chỉ là điều gợi cảm. Phải đàm đạo mới rõ Nguyễn Hữu Tiến là người thế nào, cho nên, đọc chuyện này mà ai đó dám bảo Đào Duy Từ là người… mê tín, thì tiếc cho họ lắm thay. Tiến cử người tài là chuyện giản đơn nhưng lại cực kì khó, bởi vì trong muôn người may ra mới có một vài người tài và trong muôn người tài, may ra mới có một vài người có khả năng dang tay đón nhận những người tài khác.
Cổ kim vẫn cho thấy, chỉ những ai thực sự giàu tài năng xuất chúng mới có thể biết trọng và biết dùng người tài. Một lần nữa, Đào Duy Tư đã tỏ rõ sự khôn khéo trong cách lựa lời kính tâu với Chúa. Lời cần nói, nếu nói đúng lúc, đúng nơi và đúng người cần nghe, bao giờ cũng là lời có hiệu quả cao nhất. Bảo rằng đó là lời Đào Duy Từ bảo vệ cho con rể cũng được, mà bảo rằng đó là lời Đào Duy Từ bảo vệ cho một tài năng mới cũng được. Hai mà là một đó thôi. Nguyễn Hữu Tiến được thăng chức, trước là vì Nguyễn Hữu Tiến có tài, sau nữa là vì chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng muốn đề cao kỉ luật quân đội. Một trong những nguyên nhân khiến quân họ Trịnh không thể thành công khi Nam chinh, có lẽ là ở đây.
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)