Đền Khai Long là một di tích lịch sử văn hóa nằm ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây là một quần thể công trình văn hóa tâm linh nổi tiếng của nhân dân Đô Lương. Đền thờ thần Khai Long Sứ Quân – Ngô Xương Xí, một nhân vật lịch sử có công với người dân Xứ Nghệ vào thời loạn 12 sứ quân ở thế kỷ thứ X. Ngô Xương Xí có công lớn trong việc chiếm giữ, lập ấp và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân châu Ái, châu Hoan xưa, tức vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay nên được người Việt tin yêu, mến phục. Chính vì vậy, sau khi ông mất đã được nhân dân lập đền thờ.
Kiến trúc
Tương truyền, Đền Khai Long được xây dựng cách đây 1.000 năm thờ tướng Thập nhị sứ quân Ngô Xương Xí, cháu trai của Ngô Quyền, được phong Thượng Thượng Đẳng – Tối Linh Đại Vương. Đền đã được tôn tạo, xây dựng Thượng điện, Trung điện và Hạ điện, đồ tế khí, cổng và nhiều hạng mục. Trải qua những biến động của thời gian và thời cuộc, đền bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ còn lại vùng đất cũ. Năm 2014, đền đã được khởi công xây dựng lại, sáng ngày 7/2/2015, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương đã tổ chức khánh thành đền Khai Long.
Tuy nhiên, theo sổ sách quản lý của xã Trung sơn còn lưu lại, và theo lễ tế, văn tế, thì đền Khai Long được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ Ngô Xương Xí – cháu nội của Ngô Quyền, con của Thiên sách vương Ngô Xương Ngập. Lúc bấy giờ Ngô Xương Xí trấn giữ vùng Bình Kiều nên còn được gọi là Sứ quân Bình Kiều. Sau thời biến loạn, Sứ quân Bình Kiều quy thuận Đinh Bộ Lĩnh, góp phần giúp Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) dẹp “loạn 12 sứ quân”, tiếp tục giữ vững nền độc lập.
Đền Khai Long hiện tọa lạc trên cánh đồng Bội. Trước mặt là màu xanh biếc rờn của lúa xuân chạy tít đến núi Ông Voi. Sau lưng cũng là đồng lúa xanh, xa xa là rú Cấm Thượng. Bên cạnh đền là xóm làng với dân cư đông đúc, làng quê trù phú.
Lịch sử và nhân vật
Ngô Xương Xí hay Ngô Sứ Quân là cháu nội của Ngô Quyền. Năm 944, Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha lợi dụng chiếm ngôi của nhà Ngô. Ngô Xương Ngập chạy về nhà Phạm Lệnh Công. Ở đó Ngô Xương Ngập lấy Phạm Thị Ngọc Dung, con gái Phạm Bạch Hổ và sinh Ngô Xương Xí. Dương Tam Kha lên ngôi, nhận Ngô Xương Văn làm con nuôi. Năm 950 Ngô Xương Văn lật đổ Dương Tam Kha lên ngôi, là Nam Tấn vương, năm 950. Ngô Xương Văn cũng cho người đón Ngô Xương Ngập về cùng làm vua, xưng là Thiên Sách vương, sử gọi là Hậu Ngô Vương.
Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh thượng mã phong chết. Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường bị phục binh bắn nỏ chết. Tại Cổ Loa các tướng Lã Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Đỗ Cảnh Thạc, Dương Huy tranh nhau làm vua.
Khi Nam Tấn Vương mất, Ngô Xương Xí chưa tới 20 tuổi, theo lẽ thường sẽ trở thành Vua. Nhưng vì thế lực ngày càng yếu nên Ngô Xương Xí phải lui về giữ đất Bình Kiều. Vùng đất nay được xác định thuộc Triệu Sơn, Thanh Hóa. Từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi của nhà Ngô, nhiều nơi không phục đã nổi lên. Cho tới thời của Ngô Xương Xí thì hình thành 12 đạo quân lớn hơn cả, trấn giữ các địa phương, sử sách gọi là loạn 12 sứ quân.
Thành Bình Kiều là một tòa thành do chính sứ quân Ngô Xương Xí xây dựng trên vùng đất mới chọn sau khi phải dời khỏi triều đình Cổ Loa. Thành nằm lọt vào giữa vùng đất cách thành phố Thanh Hóa 25 km về phía Đông, cạnh dãy Cửu Noãn Sơn, liền kề phía Bắc núi Nưa thuộc huyện Như Thanh. Vùng đất này ngày nay thuộc về xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Hợp Thành thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bình Kiều có nghĩa là cầu bằng (tức cầu không cong), nguyên là tên một cây cầu bắc qua sông Man Giếng.
Theo các tài liệu nghiên cứu, việc bình định Ngô Xương Xí của Đinh Bộ Lĩnh diễn ra một cách hòa bình. Ngô Xương Xí quy hàng Đinh Bộ Lĩnh. Sách ” Việt sử thông giám cương mục” chép rằng: “…Đến khi nhà Ngô mất, Đinh Bộ Lĩnh dụ hàng được các sứ quân Ngô Xương Xí, phá được Đỗ Động của Nguyễn Cảnh Thạc…”. Có tài liệu nói rằng sở dĩ ông hàng Bộ Lĩnh vì có sự tác động của cuộc hôn nhân giữa Đinh Bộ Lĩnh và Dương Vân Nga, con gái Dương Tam Kha, rồi ông ngoại ông là sứ quân Phạm Bạch Hổ hay Ngô Nhật Khánh đều là những người có quan hệ thân thích với ông cùng quy thuận Đinh Bộ Lĩnh.
Bổ sung từ nguồn truyền thuyết kết hợp với di tích sưu tầm được ở Thanh Hóa cho biết, Khi Đinh Bộ Lĩnh tiến hành thu phục Bình Kiều của sứ quân Ngô Xương Xí, ông hành quân vào Ái Châu, đóng quân tại sườn Cửu Noãn Sơn, có thần nhân mách bảo: không cần đánh, chỉ cần mở tiệc khao quân, Xương Xí hoảng sợ tất phải xin hàng. Nay ở xã Thọ Tân có đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng.
Cho tới năm Mậu Thìn 968, đạo quân của Đinh Bộ Lĩnh sau hàng loạt chiến thắng, thống nhất đất nước, mở ra nhà Đinh. Nhà Ngô kết thúc. Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông có một người anh, là con cả của Ngô Xương Ngập tên là Ngô Xương Tỷ (933-1011), theo nghiệp tu hành, đổi tên là Ngô Chân Lưu và sau được Đinh Tiên Hoàng phong làm Khuông Việt đại sư.
Sự xuất hiện của ngôi đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí ở đất Hoan Châu khẳng định vai trò quân sự của vị sứ quân này với một vùng ảnh hưởng rộng lớn khắp châu Ái, châu Hoan, tức Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay.
Lễ hội đền Khai Long Thờ Ngô Xương Xí
Lễ hội lớn nhất của đền Khai Long diễn ra từ ngày 7 đến 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Theo sử sách ghi lại đền Khai Long là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử như: tổ chức bán công phiếu kháng chiến, tổ chức các lớp “bình dân học vụ” và là địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ xã Duy Tân xưa.
Đền Khai Long trước đây diễn ra 5 dịp lễ chính trong năm: Lễ Nguyên Đán (mùng 1 Tết), Lễ Khai Hạ (mùng 7 Tháng Giêng), Lễ Thường Tân (ăn cơm mới, 20/5 âm lịch), Lễ Trạp Nghè (Hạ Nguyên, Rằm tháng Bảy), Lễ Thượng Niên. Đền là nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa cổ truyền như hát tuồng, hát ví của các đội tuồng, các phường vải trong vùng.
Ngôi đền cùng tên
Đền Khai Long ở thôn Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Diện tích khuôn viên ngôi đền rộng khoảng chừng 4-5 ha, tọa lạc ở ngọn đồi thoai thoải về phía Đông Nam, bao quanh là cây cối rậm rạp mang màu sắc uy nghi, huyền bí.
Theo như trong truyền thuyết thì ngôi đền này có tên gọi gắn liền với sự xuất hiện của một con rồng trắng dài hàng chục mét uốn lượn trên đỉnh ngọn núi, từ miệng rồng phát ra một luồng ánh sáng đẹp. Điều thú vị tiếp theo là sau khi có sự xuất hiện dị thường này thì vùng đất này từ một nơi khô cằn, sỏi đá đã trở thành một mảnh đất phì nhiêu, nước chảy bốn mùa. Sau khi nhìn thầy điềm lạ đó cùng với những thay đồi trước mắt, nhiều người đã tới đây sinh sống, lập làng, xã và để tưởng nhớ sự tích rồng thần thì người ta đã đặt tên ngôi đền thờ Ngô Sứ Quân này là Khai Long.