Đinh Lễ và Nguyễn Xí với cái giá của một bài học

Đinh Lễ người Lam Sơn (Thanh Hoá), sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất vào năm 1427. Ông là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu, tham gia phong trào Lam Sơn ngay từ những ngày đầu, là người chỉ huy trận tấn công vào Diễn Châu và vào Thanh Hoá, là một trong những vị tướng có vai trò rất quan trọng trong trận quyết chiến Tốt Động – Chúc Động. Bởi có nhiều công lao lớn, ông được đổi gọi là họ Lê, sử cũ vì thế mà thường chép là Lê Lễ.

Nguyễn Xí (1397 – 1465) người đất Thượng Xá, Chân Phúc, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm lên 9 tuổi, Nguyễn  Xí mồ côi cha, được người anh đem ra Thanh Hoá rồi được Lê Lợi nuôi trong nhà. Năm 1418, ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, mau chóng trở thành một trong những vị tướng có tài. Cùng với nhiều người khác, ông cũng được đổi họ thành họ Lê.

Trải mười năm chinh chiến, Đinh Lễ và Nguyễn Xí đánh đâu thắng đó nên càng về sau càng hay khinh địch. Vì lẽ này, hai ông đã phải trả một cái giá quá đắt cho sự chủ quan của mình. Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” (bản kỉ, quyển 10, tờ 30 a-b) chép:

Trước đó, ngày mồng 8 (tháng 6-1427 – ND), Tư không là Lê Lễ cùng Thượng tướng là Lê Xí đánh nhau với quân Minh ở My Động (nay là xã Hoàng Mai, ngoại thành Hà Nội – ND). Lễ tử trận. Hôm ấy, Vương Thông cho quân tinh nhuệ từ trong thành (Đông Quan)(1) ra đánh Thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt. Nguyễn cố giữ thành để đánh trả. Vua vội sai Lê Lễ và Lê Xí đem hơn 500 quân Thiết Đột đến giúp, đuổi giặc tới My Động. Vương Thông thấy Lễ ít quân mới quay lại đánh ép vào. Lễ và Xí cưỡi roi, ra sức mà đánh, nhưng rồi voi bị sa lầy nên cả hai bị quân Minh bắt sống đem vào thành Đông Quan. Lễ không chịu khuất phục, bị giết chết ngay, còn Xí thì nhân cơ hội đêm ấy mưa gió, dùng kế đánh lừa kẻ canh giữ mà chạy thoát được. Xí về ra mắt Vua ở dinh Bồ Đề, Vua thấy liền kêu to lên rằng: “Ngươi sống lại đấy ư?”.

Trước kia, mỗi lần xuất quân, Vua thường răn Lễ chớ nên khinh địch. Đến khi thắng trận Tốt Động, ai cũng khen Lễ giỏi, Vua nói:

– Trăm trận mà thắng cả trăm chưa hẳn là điều hay. Hắn cứ cậy có lính giỏi, quen say men thắng, trận thua đau biết đâu còn chờ.

Đến đây thì lời ấy quả là đúng.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Khuất Hà (tướng của Lỗ Hoàn Công, Trung Quốc thời Chu, nổi tiếng là giỏi, sau vì chủ quan mà thua đau, phải tự tử – ND) quen thói thắng lớn ở Bồ Tao mà đến nỗi bị đại bại. Nhưng, Khuất Hà là tướng cầm quân đi đánh nước nhỏ, tàn bạo và bị cô lập. Lê Lễ cũng quen thói thắng trận ở Tốt Động mà rồi bị thua đau, nhưng Lê Lễ cầm quân khảng khái phục thù, có đại nghĩa. Tuy xem ra, hai người đều thất bại có vẻ như nhau mà ý nghĩa thì thực lại rất khác biệt. Tướng giỏi thời bấy giờ, đứng hàng đầu ắt phải kể đến Lễ và Triện”.

Lời bàn:

Chỉ vì không nghiêm cẩn nghe lời dặn dò của Bịnh Định Vương Lê Lợi mà hai vị tướng tài đều bị bắt, một người bị giết, một người thoát được, nhưng hao tổn binh lực cũng chẳng phải là ít. Mới hay, thắng được sự kiêu căng của chính mình còn khó hơn cả thắng kẻ thù thiện chiến và mưu lược.

Ngô Sĩ Liên khen Lê Lễ, xếp ông và Lý Triện vào hàng những tướng giỏi nhất, ắt chỉ vì kính trọng tiết tháo của hai người đó thôi. Cái chết của Lê Lễ đâu phải chỉ đơn giản là sự thiệt hại một sinh mạng? Nếu các tướng lĩnh đều hành động như ông thì sự nghiệp của Lam Sơn làm sao hoàn thành? Hoá ra, đánh trận cũng như đánh cờ, nhường một bước chưa hẳn phải thua, điều cốt lõi là phải bảo toàn được tướng để sau cùng, đánh những nước quyết định mà giành phần thắng về mình. Lê Xí may thoát được để còn ngẫm nghĩ về những lời khuyên của Lê Lợi, chớ Lê Lễ thì chẳng còn cơ may nào để kịp nhận ra sai lầm của mình. Tiếc thay!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần
– NXB Giáo Dục)

Chú thích:

(1) Thành Đông Quan tức là thành Đông Đô cũng là kinh đô Thăng Long cũ, nay là thủ đô Hà Nội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.