Cổng đình Thông Tây Hội ngày nay
Đình Thông Tây Hội, trước năm 1944 có tên đình làng Hạnh Thông Tây là một ngôi đình cổ ở Gò Vấp. Đình được xây dựng vào khoảng năm 1679, ngày nay đình còn được biết tới như là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của cả miền đất phương Nam còn tồn tại. Đình Thông Tây Hội là nguồn tư liệu phong phú về cư dân vùng Gò Vấp, một vùng đất ra đời tương đối sớm đối với Sài Gòn – Gia Định. Với giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, xã hội, đình được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật văn hóa lịch sử cấp quốc gia năm 1998.
Nguồn gốc và tên gọi
Tên Thông Tây Hội là do ghép từ hai làng Hạnh Thông Tây và An Hội. Khi hai làng sáp nhập làm một (1944) thì đình làng Hạnh Thông Tây được chọn làm đình chung và từ đó được đổi tên thành đình Thông Tây Hội. Làng Hạnh Thông Tây được tách ra từ làng Hạnh Thông (một trong những làng ra đời từ rất sớm – 1698).
Trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức có ghi: Hạnh Thông thôn – Hạnh Thông Tây thôn – An Hội thôn – thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình. Xã Hạnh Thông Tây có thể ra đời rất sớm cùng với sự ra đời và tồn tại của làng xã. Theo các cụ cao niên tại địa phương cho biết: ngôi đình đầu tiên của làng Hạnh Thông Tây được dựng lên từ khi tách làng, được làm bằng gỗ lợp lá, nằm ở vị trí khác, cách ngôi đình 800m về phía Nam. Ngôi đình thứ hai được làm bằng gỗ lợp ngói, nhỏ và đơn giản nằm tại vị trí ngôi đình. Đất dựng đình do một nhà hào phú địa phương tên Huỳnh Văn Thu hiến cúng. Ngôi đình hiện nay được trùng tu trên mặt bằng ngôi đình thứ hai.
Đình Thông Tây Hội nằm trên một con đường (nay là đường Thống Nhất thuộc phường 11, quận Gò Vấp). Đường này ngày xưa là đường làng không tên, là trục chính nối hai làng Hạnh Thông Tây và An Nhơn xã. Thời Việt Nam Cộng Hòa, đường có tên là Minh Mạng, sau 1975 đổi tên thành đường Thống Nhất. Đến năm 1982 lấy tên đường là Nguyễn Văn Lượng, nay đã đổi lại thành đường Thống Nhất.
Kiến trúc
Lối vào chính điện
Đình Thông Tây Hội là ngôi đình có cấu trúc thuộc dạng đình cổ ở miền Nam thế kỷ 19. Đình hiện vẫn gìn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ.
Toàn bộ khu đình tọa lạc trên một khu đất rộng 5.188m2. Do bị dân lấn chiếm một phần đất để ở nên hiện nay chỉ còn khoảng 1.500m2. Đình quay về hướng Đông. Cổng đình xây theo kiểu tam quan. Sân Đình rộng, có một số cây cao khoảng 10m. Mặt bằng kiến trúc của đình tạo thành hai trục song song với nhau: một trục dài (trục chính) gồm võ ca, chánh điện; một trục ngắn (trục phụ) là nhà hội sở. Kiểu mặt bằng kiến trúc này rất phổ biến đối với công trình kiến trúc tôn giáo ở miền Nam thế kỷ thứ 18 – 19.
Võ ca có kích thước: ngang 14m, sâu 17,5m, cao 4m là nơi xây chầu, hát bội gồm 7 nếp nhà và 52 cột gỗ, không có tường bao xung quanh.
Chánh điện gồm: 2 nếp nhà ghép trùng nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Mái của hai nếp nhà cạnh sát nhau. Tất cả có 48 cột, chia thành 8 dãy cột, mỗi dãy có 6 cột. Bốn cột giữa cao nhất là 4,5m; có đường kính là 30 cm (thường được gọi là “tứ tượng”) là nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất – nơi đặt bàn thờ các vị thần. Các chân cột ở chánh điện được có khắc hình lăng trụ thắt ở giữa. Trên nóc chánh điện có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh, quanh chánh điện có tường gạch.
Nhà hội sở là văn phòng ban trị sự, nơi tiếp khách và chuẩn bị tế lễ, có kích thước ngang 12m, dài 19m, cao 4,2m; có 56 cột, chân cột kê đá xanh, có 3 nếp nhà “trùng thiềm điệp ốc”; có vách ván ngăn phòng làm việc với nhà kho.
Toàn bộ ngôi đình lợp ngói âm dương, bộ vì kèo chịu lực bằng gỗ, nền lót gạch tàu (30 cm x 30 cm).
Nhà hội sở
Trang trí của đình Thông Tây Hội, phần đặc sắc nhất tập trung tại chánh điện. Ở đây các đầu kèo, trính đều được chạm khắc đầu rồng và cành mai. Có 3 bao lam: bao lam ở giữa chạm theo đề tài lân – ly – quy – phụng, hai bao lam hai bên chạm theo đề tài mẫu đơn – trĩ. Tác phẩm chạm khắc đặc sắc nhất là trang thờ thần, được chạm khắc tinh xảo theo đề tài lưỡng long triều nguyệt và lân – ly – quy – phụng. Ngoài ra còn có hai trang thờ tả ban, bức hoành “chung linh lưu tú”, hai cặp câu đối bằng thân cây dừa ở chánh điện đều là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Trong di tích đình Thông Tây Hội còn giữ 37 hiện vật quý. Các hiện vật là tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ đều giữ được đường nét, màu sắc sơn son thếp vàng của hiện vật cổ, không bị phết lên những lớp son mới như một số ngôi đình khác thường làm. Đề tài chạm khắc trong đình Thông Tây Hội rất phổ biến đối với các công trình tôn giáo trong thành phố Hồ Chí Minh.
Thờ cúng
Bia ông Hổ
Đình Thông Tây Hội thờ Thành Hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam. Vị thần chính được thờ trong đình là Đông Chinh vương và Dực Thánh vương (hai vị Hoàng thất làm tướng thời vua Lý Thái Tổ). Những vị khác được thờ trong đình:
- Thần Phúc Đức
- Bà Chúa Xứ
- Thần Nông
- Thần Hổ
- Tiên sư
Lễ hội
- Lễ Kỳ Yên: là lễ lớn nhất, được cử hành vào hai ngày 14 và 15 tháng 8 âm lịch. Lễ vật chính là con heo đực đen tuyền sắc và bò đực.
- Ngày 14 tháng 8:
- 17h: làm lễ Túc Yết
- 18h-20h: khai kinh, cầu an
- Ngày 15 tháng 8:
- 0h30: làm lễ thỉnh sanh
- 4h-6h: chánh tế tế thần
- 6h-7h: cúng tiền hiền, hậu hiền
- 8h-13h: tiếp khách và các hội đình khác
Buổi chiều tổ chức múa lân, hát bội và kết thúc lễ Kỳ yên. Trong khi cử hành sẽ có nhạc lễ, mõ, chiêng, trống.
Ngoài ngày lễ Kỳ Yên là lễ chính còn có một số ngày lễ phụ trong năm:
- Ngày 7 tháng Giêng: lễ hạ nêu
- Ngày 15 tháng Giêng: lễ thượng ngươn
- Ngày 15 tháng Ba: lễ thanh minh
- Ngày 5 tháng Năm: tết Đoan Ngọ – cúng Bà
- Ngày 15 tháng Bảy: lễ trung ngươn
- Ngày 15 tháng Mười: lễ hạ ngươn
- Ngày 25 tháng Chạp: lễ rước Ông, dựng nêu
Những ngày lễ này trước kia được cử hành thường xuyên, ngày nay được giản lược đi, chỉ mỗi cúng lễ Kỳ Yên.
Bảo tồn
Theo tài liệu chữ Hán còn lưu lại trong đình thì lần trùng tu thứ nhất của đình là vào năm Bính Thân (1896). Lần trùng tu thứ hai năm là vào Đinh Mão (1927).
Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn (1698 – 1998), đình là một trong sáu công trình lớn được trùng tu. Tuy nhiên, lần trùng tu này bị coi là chưa đảm bảo nguyên tắc khiến cho các hoa văn, bàn ghế của đình bị hư hại nhiều. Việc quản lý đình cũng chưa được tổ chức chặt chẽ. Hiện nay mặt tiền đình là nơi mát mẻ khiến cho một số người dân bày bán các loại hàng hoá như vé số, trái cây, quần áo,… Nhìn chung thì đình trông rất bầy nhầy và khó coi.