Giao Chỉ

Giao Chỉ

700px IndoChine1609%28India orientalis%29Bản đồ Đông Nam Á năm 1609, nước Đại Việt được người phương Tây gọi là Cochinchina (tức là Cochin gần Trung Quốc) để phân biệt với địa danh Cochin nằm ở bờ tây nam Ấn Độ.

Giao Chỉ là địa danh một phần lãnh thổ Việt Nam trong lịch sử, từ thời Hùng Vương đến các kỳ thời Bắc thuộc. Nó cũng là tên Bắc Tống và Nam Tống gọi 3 nhà nước của nhà Đinh, nhà Tiền Lê, và nhà Lý từ 975 đến 1164.

Từ nguyên

19/11/2024 Thông tin chi tiết về Giao Chỉ

Hiện có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của địa danh Giao Chỉ. Sau đây là một số thuyết giải nghĩa dân gian (folk etymology) dựa trên các văn liệu, sử liệu thời cổ:

  • Theo thiên Vương Chế (王制) trong Lễ ký (禮記), hai chữ Giao Chỉ (交趾) được dùng để mô tả đặc điểm ngoại hình của các tộc Nam Man, và có thể được giải nghĩa là “chân trẹo hướng vào nhau” (James Legge) hoặc “ngón chân cái… bắt chéo” (James M. Hargett). Năm 1868, bác sĩ Clovis Thorel trong đoàn thám hiểm của Ernest Doudart de Lagrée đã nhận xét hiện tượng hai ngón chân cái giao nhau là “một đặc điểm của giống người An Nam”
  • Hậu Hán Thư (後漢書) dẫn đoạn tương tự trong Lễ ký, nhưng lại giải nghĩa Giao Chỉ là phong tục tắm chung sông của nam nữ xứ đó.
  • Đỗ Hựu trong bộ Thông điển cho rằng: “Giao Chỉ là người Nam di, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (chỉ là ngón chân cái)”.
  • Bộ Thái bình ngự lãm (太平御覽) thời nhà Tống trích lời của sử gia Ưng Thiệu (應劭) trong Hán quan nghi (漢官儀) rằng: “Vũ Hoàng Đế nam bình Bách Việt đặt Giao Chỉ (交阯) khai thủy ở phương Bắc, toại giao (交) ở phương Nam, vì tử tôn cơ chỉ (阯) tại đó.”

Dưới đây là một vài ý kiến của các học giả phương Tây về vấn đề từ nguyên Giao Chỉ:

  • Theo nhà ngôn học Michel Ferlus (2009), chữ Giao trong Giao Chỉ (交趾), tộc danh của người Lào (lǎo 獠), và người Cờ Lao (仡佬) có dạng từ nguyên được phỏng đoán là *k(ə)ra:w. Người Lào xưa gọi người Kinh là Keo/ Kæw kɛːwA1, hiện nay mang hàm ý hơi miệt thị sắc tộc. Người Pu Péo gọi người Tày (Thái Trung tâm) ở Bắc Việt Nam trong tiếng Pu Péo (thuộc chi Kra) là kew.
jiāo < MC kæw < OC *kraw
lǎo < MC lawX < OC *C-rawʔ
  • Nhà ngôn học nhân chủng Frederic Pain (2008) đề xuất rằng *k(ə)ra:w có nghĩa là “con người”, và gốc rễ của từ này nằm trong ngữ hệ Nam Á: ông chỉ ra sự tương đồng của nó với căn tố địa phương *trawʔ , có nghĩa là củ taro. Căn tố tổ tiên này phái sinh thành nhiều từ khác nhau trong các nhánh Nam Á, chẳng hạn: nhánh Môn có krao của khẩu ngữ Môn và traw của tiếng Nyah Kur; nhánh Palaung có kraɷʔ của tiếng Tung-wa và klao của tiếng Sem; nhánh Cơ-Tu có raw của tiếng Ong và ʰraw của tiếng Souei. Theo Pain, điều này hàm ý “một phương thức canh tác cụ thể được áp dụng bởi các cộng đồng Môn-Khmer có nông nghiệp quy mô nhỏ — trái ngược với các xã hội trồng ngũ cốc phức tạp và tân tiến hơn.”
    • Chú ý rằng từ taro trong tiếng Anh vốn dĩ là một từ mượn của tiếng Maori Nam Đảo, và nó có thể được dịch sang tiếng Việt thành các loại củ khác nhau như khoai môn, khoai nước hoặc khoai sọ. Thành tố sọ trong khoai sọ đã được Mark Alves (2020) phục nguyên như sau:
Sọ < PV *s-roːʔ < PAA *t₁rawʔ ~ *t₁raaw (taro)
  • Chuyên gia về ngôn ngữ Kra-Dai James R. Chamberlain (2016) cũng cho rằng chữ Giao và tộc danh Lào rất có thể là hai từ đồng nguyên (cognate). Chamberlain, đồng ý kiến với nhà nghiên cứu Joachim Schlesinger, cho rằng tiếng Việt ban đầu không phải là thổ ngữ của đồng bằng sông Hồng. Theo họ, vùng châu thổ sông Hồng vốn là nơi sinh sống của người Tai, và rằng khu vực này chỉ bắt đầu nói tiếng Việt từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9 CN, hoặc thậm chí muộn hơn vào thế kỷ thứ 10, do người nói tiếng Việt di cư lên từ phía nam, tức là từ vùng Bắc Trung Bộ hiện đại. Theo ghi chép đời Hán-Đường, phía đông Giao Chỉ và bờ biển Quảng Đông, Quảng Tây là nơi cư trú của cộng đồng nói tiếng Tai-Kadai (người Trung Quốc đương thời gọi họ là 俚 và 獠). Catherine Churchman đề xuất rằng chữ 獠 là phiên âm rút gọn của một danh xưng bản địa; nhận thấy rằng các từ 鳩獠 Qiūlǎo, 狐獠 Húlǎo và 屈獠 Qūlǎo được phục nguyên ngữ âm lần lượt là *kɔ-lawʔ, *ɣɔ-lawʔ và *kʰut-lawʔ trong giai đoạn tiếng Hán trung cổ, bà phỏng đoán danh xưng giả định phiên âm bởi từ 獠 là *klao, có lẽ liên quan đến từ klao “người” trong các ngôn ngữ Kra, hoặc là hình vị ghép của tiền tố k- chỉ “người” với đại từ *rəu số nhiều ngôi nhất “chúng tôi” của tiếng Tai nguyên thủy, có nghĩa là “dân tộc chúng tôi”. Mặc dầu vậy, Michael Churchman thừa nhận rằng “Chẳng có một sử liệu nào chép về sự biến chuyển dân số quy mô lớn, điều đó chứng tỏ một quần thể dân cư nói tiếng Nam Á tổ tiên của tiếng Việt đã tồn tại tương đối ổn định ở Giao Chỉ suốt thời Hán-Đường.” Các bằng chứng khảo cổ cũng chứng tỏ người Việt mới là dân tộc kế thừa văn hóa Đông Sơn có phạm vi tại ĐBSH, và do vậy, tổ tiên người Việt đã sinh sống ở ĐBSH từ lâu.

Lịch sử

19/11/2024 Thông tin chi tiết về Giao Chỉ

Thời Văn Lang

19/11/2024 Giao Chỉ

Giao Chỉ nguyên là tên gọi của một bộ trong số 15 bộ của nước Văn Lang thời xưa. Bộ Giao Chỉ thời Hùng Vương tương đương miền Hà Nội ngày nay và miền hữu ngạn sông Hồng.

Thời Bắc thuộc

19/11/2024 Giao Chỉ

Lần thứ nhất

Triệu Đà sau khi thôn tính Âu Lạc đã chia Âu Lạc thành 2 quận là Giao Chỉ và Cửu Chân.

Khi nhà Hán đô hộ Nam Việt vào năm 111 trước Công nguyên thì đất Nam Việt cũ bị chia thành 6 quận là Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố, Giao Chỉ và Cửu Chân. Đứng đầu quận là thái thú. Quận Giao Chỉ (Giao Chỉ quận) nằm trong bộ Giao Chỉ (Giao Chỉ bộ). Đứng đầu bộ Giao Chỉ là một thứ sử. Thứ sử đầu tiên là Thạch Đái. Quận trị của quận Giao Chỉ có thể ban đầu đã đặt tại Mê Linh, sau này đặt tại Liên Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Khi Chu Xưởng làm thái thú quận Giao Chỉ đã dời quận trị đến Long Biên.

Bộ Giao Chỉ là một cấp hành chính của nhà Tây Hán, bao trùm toàn bộ lãnh thổ cũ của nước Nam Việt cộng thêm 3 quận mới lập là Châu Nhai, Đạm Nhĩ và Nhật Nam, được đặt chính thức vào năm 106 TCN, gồm 9 quận là: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (Nhật Nam được thành lập sau khi nhà Tây Hán chiếm được thêm vùng đất phía nam quận Cửu Chân), Đạm Nhĩ, Châu Nhai (Đạm Nhĩ và Châu Nhai nay thuộc đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm và Thương Ngô (nay thuộc Quảng Tây và Quảng Đông). Năm 203 nhà Đông Hán đổi bộ Giao Chỉ thành châu Giao trên cơ sở đề nghị của thứ sử Trương Tân và Sĩ Nhiếp, thái thú quận Giao Chỉ. Tên gọi của bộ Giao Chỉ tồn tại được 300 năm (106 TCN – 203).

Theo sách Tiền Hán thư, địa lý chí thì quận Giao Chỉ gồm có 10 huyện: Luy Lâu, An Định, Cẩu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương (Dịch?), Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên và Chu Diên. Thời Tây Hán, trụ sở quận Giao Chỉ đặt tại huyện Luy Lâu, thời Đông Hán đặt tại Long Biên. Theo nhận định của Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2005) dựa vào các sách cổ thì quận Giao Chỉ phủ kín đất Bắc Bộ ngày nay, trừ vùng thượng lưu sông Đà và thượng lưu sông Mã, đồng thời ăn sang cả vùng tây nam Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Riêng góc tây nam tỉnh Ninh Bình là địa đầu của quận Cửu Chân (nay thuộc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Sau này nhà Hán đặt thêm quận Nhật Nam ở phía nam quận Cửu Chân (khoảng từ đèo Ngang vào đến Bình Định).

Tích Quang sang làm thái thú quận Giao Chỉ từ đời vua Hán Bình Đế (năm 1 đến năm 5) nhà Tây Hán và Nhâm Diên làm thái thú quận Cửu Chân đời vua Hán Quang Vũ Đế đều là những viên quan cai trị tốt đối với dân chúng nên được nhiều người nể trọng.

Thời Hán mạt và Tam Quốc, nhân dân quận Giao Chỉ đã nhiều lần nổi lên giết chết các thứ sử Giao Châu là Chu Phù rồi Trương Tân. Sau đó nhà Hán đã phong cho thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp làm Tuy Nam trung lang tướng, tổng đốc 7 quận. Năm 210, Tôn Quyền nước Đông Ngô sai Bộ Chất sang làm thứ sử Giao Châu thì Sĩ Nhiếp tuân phục.

Đời vua Hán Linh Đế (168-189), Lý Tiến là người bản xứ đầu tiên làm thứ sử bộ Giao Chỉ. Lý Tiến dâng sớ xin vua cho người Giao Chỉ được bổ làm quan như người Hán. Nhưng vua Hán chỉ cho những người đỗ Mậu Tài hoặc Hiếu Liêm làm một số chức nhỏ trong xứ Giao Chỉ mà thôi.

Lý Cầm, một lính túc vệ người Giao Chỉ (sau này làm tới chức Tư lệ Hiệu úy) ra sức kêu cầu nên người Giao Chỉ mới được làm quan ở cả nơi khác.

Đại Việt sử ký toàn thư chép:

“Bấy giờ người nước Việt ta là Lý Cầm làm túc vệ ở đài, bèn rủ người đồng hương là bọn Bốc Long 5, 6 người, giữa ngày đầu năm các nước triệu hội, đến quỳ lạy ở sân điện tâu rằng:

“Ơn vua ban không đều”.

“Hữu ty hỏi vì cớ gì?”

Cầm nói: “Nước Nam Việt ở xa không được trời che đất chở, cho nên mưa ngọt không xuống, gió mát không đến”.

Lời ý khẩn thiết đau đớn. Vua Hán xuống chiếu an ủi, lấy một người đỗ Mậu Tài nước ta đi làm Huyện lệnh huyện Hạ Dương, một người đỗ Hiếu Liêm đi làm Huyện lệnh huyện Lục Hợp. Sau Lý Cầm làm quan đến Tư lệ Hiệu úy, Trương Trọng làm Thái thú Kim Thành. Như thế nhân tài nước Việt ta được cùng tuyển dụng như người Hán là mở đầu từ Lý Cầm, Lý Tiến vậy.”

Khởi nghĩa hai bà Trưng

Năm 40, Trưng Trắc và Trưng Nhị dấy binh đánh đuổi thái thú Tô Định tàn ác và xưng vương. Năm 43, Mã Viện được nhà Hán phái sang đánh bại Hai Bà Trưng, đã cho dựng một trụ đồng có khắc sáu chữ: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt, nghĩa là trụ đồng đổ thì Giao Chỉ bị tuyệt diệt. Thấy thế, người Giao Chỉ qua đây, ai cũng bỏ thêm đất đá cho cột đồng càng chắc, nghe nói sau này phủ kín cả cột đồng, không biết nó ở chỗ nào nữa. Còn một cách giải thích khác là ai đi qua nhìn thấy cũng nổi lòng căm ghét, mỗi người ném một hòn đá vào cột, lâu ngày che đi.

Lần thứ hai

Sau khi Sĩ Nhiếp chết, năm 226, Đông Ngô đã chia Giao Châu ra làm 2 châu: Quảng Châu gồm các quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô (trị sở tại Phiên Ngung, nay là thành phố Quảng Châu) và Giao Châu (mới) gồm các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố (trị sở tại Long Biên) và cử Sĩ Huy, con Sĩ Nhiếp làm thái thú quận Cửu Chân, nhưng Sĩ Huy không tuân lệnh mà dấy binh chiếm giữ quận Giao Chỉ. Thứ sử Giao Châu (mới) là Đới Lương (戴良) và thứ sử Quảng Châu là Lã Đại cùng hợp binh tiến đánh, dụ hàng rồi lừa giết chết mấy anh em Sĩ Huy. Khi đó Đông Ngô lại hợp nhất Quảng Châu với Giao Châu như cũ. Năm 264 lại tái lập Quảng Châu.

Năm 265, nhà Tấn cướp ngôi nhà Ngụy, cử Dương Tắc làm thái thú quận Giao Chỉ, Đổng Nguyên làm thái thú quận Cửu Chân. Năm 272, tướng Đông Ngô là Đào Hoàng đánh chiếm lại được Giao Chỉ và Cửu Chân, được làm thứ sử Giao Châu, sau này Tôn Hạo phong cho làm Giao Châu mục.

Quận Giao Chỉ lúc này có 14 huyện: Long Biên, Câu Lậu, Vọng Hải, Luy Lâu, Tây Vu, Vũ Ninh, Chu Diên, Khúc Dương, Ngô Hưng, Bắc Đái, Kê Từ, An Định, Vũ An và Quân Bình với 12.000 hộ.

Thời Lưu Tống, quận Giao Chỉ gồm 12 huyện và 4.233 hộ, là: Long Biên, Câu Lậu, Chu Diên, Ngô Hưng, Tây Vu, Định An, Vọng Hải, Hải Bình, Vũ Ninh, Luy Lâu, Khúc Dương, Nam Định (Vũ An cũ).

Thời Nam Tề, quận Giao Chỉ gồm 11 huyện: Long Biên, Vũ Ninh, Vọng Hải, Câu Lậu, Ngô Hưng, Tây Vu, Chu Diên, Nam Định, Khúc Dịch (Dương?), Hải Bình, Luy Lâu.

Lần thứ ba

Đến đời nhà Tùy, quận Giao Chỉ gồm 9 huyện: Tống Bình, Long Biên, Chu Diên, Long Bình, Bình Đạo, Giao Chỉ, Gia Ninh, Tân Xương và An Nhân.

Nhà Đường sau khi lên thay nhà Tùy, đã đặt ra phủ Giao Châu. Năm 679, Giao Châu đô đốc phủ đổi thành An Nam đô hộ phủ, chia làm 12 châu, trong đó có Giao Châu. Giao Châu mới bao gồm 8 huyện: Tống Bình, Long Biên, Chu Diên, Giao Chỉ, Bình Đạo, Vũ Bình, Nam Định, Thái Bình.

Huyện Giao Chỉ ra đời năm 622 do chia tách đất Tống Châu đặt ra hai huyện Giao Chỉ và Hoài Đức. Đến năm 627, đổi huyện Giao Chỉ thành Nam Từ Châu, nhập 3 huyện Giao Chỉ, Hoài Đức và Hoằng Giáo vào huyện Tống Bình.

Lần thứ tư

Nhà Minh vào đầu thế kỷ XV sau khi xâm chiếm Việt Nam thành lập Giao Chỉ thừa tuyên bố chính sứ ty, hay tỉnh Giao Chỉ. Lúc này tỉnh Giao Chỉ chính là nước Việt Nam thời nhà Hồ và được chia thành 15 phủ (sau tăng lên 17 phủ) và 5 châu lớn (năm 1407):

  • 15 phủ: Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tam Giang, Kiến Bình (Kiến Hưng thời Hồ), Tân Yên (Tân Hưng thời Hồ), Kiến Xương, Phụng Hóa (Thiên Trường thời Hồ), Thanh Hóa, Trấn Man (Long Hưng thời Hồ), Lạng Sơn, Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An, Thuận Hóa.
  • 5 châu đứng riêng: Thái Nguyên, Tuyên Hóa (Tuyên Quang thời Hồ), Gia Hưng, Quy Hóa, Quảng Oai.

Ngoài ra còn có các châu trực thuộc phủ, tổng cộng có 47 châu lớn nhỏ.

Sang năm 1408, châu Thái Nguyên và châu Tuyên Hóa được thăng làm phủ Thái Nguyên và phủ Tuyên Hóa, nâng tổng số phủ lên 17. Sau này lại bỏ phủ Diễn Châu, còn lại châu Diễn.

Như vậy phủ Giao Châu nằm trong quận Giao Chỉ (lúc này cấp phủ thấp hơn cấp quận).

Sau khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh lên làm vua, ông đã bỏ các đơn vị hành chính cũ và chia cả nước thành 5 đạo. Các tên gọi Giao Châu và Giao Chỉ với tư cách là những đơn vị hành chính chính thức đã chấm dứt từ đó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.