Hậu Giang | |||
---|---|---|---|
Tháp Đồng Hồ Asia ở trung tâm thành phố Vị Thanh | |||
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long | ||
Tỉnh lỵ | Thành phố Vị Thanh | ||
Trụ sở UBND | Số 02, đường Hoà Bình, phường V, thành phố Vị Thanh | ||
Phân chia hành chính | 2 thành phố, 1 thị xã, 5 huyện | ||
Thành lập | 1/1/2004 | ||
| |||
Diện tích | 1.622,23 km² | ||
Dân số (2022) | |||
Tổng cộng | 804.200 người | ||
Thành thị | 288.700 người (35,9%) | ||
Nông thôn | 515.500 người (64,1%) | ||
Mật độ | 495 người/km² | ||
Dân tộc | Kinh, Hoa, Chăm, Khmer,… | ||
Kinh tế (2022) | |||
GRDP | 56.765 tỉ đồng (2,4 tỉ USD) | ||
GRDP đầu người | 70,5 triệu đồng (2.981 USD) | ||
Khác | |||
Mã địa lý | VN-73 | ||
Mã hành chính | 93 | ||
Mã bưu chính | 91xxxx | ||
Mã điện thoại | 293 | ||
Biển số xe | 95 |
Hậu Giang là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.
Năm 2018, Hậu Giang là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 54 về số dân, xếp thứ 52 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 48 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 52 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 776.700 người dân, GRDP đạt 29.763 tỉ Đồng (tương ứng với 1,2926 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 38,32 triệu đồng (tương ứng với 1.664 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,08%.
Địa lý
Thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy
Hậu Giang là tỉnh thuộc khu vực nội địa của đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh thổ của tỉnh nằm trong tọa độ từ 9030’35 đến 10019’17 Bắc và từ 105014’03 đến 106017’57 kinh Đông. Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm châu thổ sông Mê Kông, thuộc khu vực nội địa của Đồng bằng sông Cửu Long nên có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp tỉnh Sóc Trăng
- Phía tây giáp tỉnh Kiên Giang
- Phía nam giáp tỉnh Bạc Liêu
- Phía bắc giáp thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long.
Tỉnh lỵ hiện nay là thành phố Vị Thanh cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km về phía tây nam, cách thành phố Cần Thơ 60 km theo Quốc lộ 61 và chỉ cách 40 km theo đường nối Vị Thanh – thành phố Cần Thơ
Tỉnh nằm ở hạ lưu sông Hậu, giữa một mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Hậu Giang tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ. Tỉnh có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại, có nguồn thủy sản phong phú, chủ yếu tôm cá nước ngọt và chăn nuôi gia súc. Sông Mái Dầm có đặc sản cá ngát nổi tiếng. Tỉnh nổi tiếng với chợ nổi Ngã Bảy và nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia như di tích Khởi Nghĩa Nam Kỳ, di tích Liên Hiệp Đình Chiến Nam Bộ, Căn cứ Tỉnh Ủy Cần Thơ, di tích Tầm Vu, đền Bác Hồ, v.v…
Điều kiện tự nhiên
Sông Cái – ranh giới tự nhiên giữa Hậu Giang với Bạc Liêu
Hậu Giang là tỉnh ở Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, địa hình thấp trũng, độ cao trung bình dưới 2 mét so với mực nước biển. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Khu vực ven sông Hậu cao nhất, trung bình khoảng 1 – 1,5 mét, độ cao thấp dần về phía Tây. Bề mặt địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống kênh rạch nhân tạo.
Tỉnh Hậu Giang nằm trong vòng đai nội chí tuyến Bắc bán cầu, gần xích đạo, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa mưa có gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô có gió Đông Bắc từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Nhiệt độ trung bình là 27 0C không có sự chênh lệch quá lớn qua các năm. Tháng có nhiệt độ cao nhất (35 0C) là tháng 4 và thấp nhất vào tháng 12 (20,3 0C). Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, chiếm từ 92 – 97% lượng mưa cả năm. Lượng mưa ở Hậu Giang thuộc loại trung bình, khoảng 1800 mm/năm, lượng mưa cao nhất vào khoảng tháng 9 (250,1 mm). Ẩm độ tương đối trung bình trong năm phân hoá theo mùa một cách rõ rệt, chênh lệch độ ẩm trung bình giữa tháng ẩm nhất và tháng ít ẩm nhất khoảng 11%. Độ ẩm trung bình thấp nhất vào khoảng tháng 3 và 4 (77%) và độ ẩm trung bình trong năm là 82%.
Tỉnh Hậu Giang có một hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300 km. Mật độ sông rạch khá lớn 1,5 km/km, vùng ven sông Hậu thuộc huyện Châu Thành lên đến 2 km/km. Hậu Giang nằm trong vùng trũng của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Cấu tạo của vùng có thể chia thành hai vùng cấu trúc rõ rệt là Tầng cấu trúc dưới và Tầng cấu trúc bên, trong đó Tầng cấu trúc dưới gồm Nền đá cổ cấu tạo bằng đá Granit và các đá kết tinh khác, bên trên là đá cứng cấu tạo bằng đá trầm tích biển hoặc lục địa và các loại đá mắcma xâm nhập hoặc phun trào.
Hành chính
Cổng chào tỉnh Hậu Giang, đặt trên địa bàn thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A
Tỉnh Hậu Giang có 8 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện được chia làm 51 xã, 13 phường và 11 thị trấn.
Bản đồ hành chính tỉnh Hậu Giang
Lịch sử
Trước năm 1976, Hậu Giang là tên gọi theo âm Hán – Việt của sông Hậu. Vùng đất thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay trước năm 1956 nằm rải rác thuộc tỉnh Cần Thơ và tỉnh Rạch Giá. Từ năm 1957, toàn bộ vùng đất tỉnh Hậu Giang ngày nay đều thuộc về tỉnh Cần Thơ (về phía chính quyện Việt Nam Cộng Hòa là thuộc các tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện). Tháng 3 năm 1976, tỉnh Hậu Giang (cũ) được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau trước đó là tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Hậu Giang được chia thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, tỉnh Cần Thơ lại được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay.
Thời Pháp thuộc
Tỉnh Hậu Giang ngày nay vào thời Pháp thuộc bao gồm quận Long Mỹ của tỉnh Rạch Giá; quận Phụng Hiệp và một phần quận Châu Thành của tỉnh Cần Thơ.
Năm 1939, quận Long Mỹ có 3 tổng là An Ninh, Thanh Tuyên, Thanh Giang. Quận Phụng Hiệp năm 1939 có 2 tổng là Định Hòa, và Định Phước. Riêng quận Châu Thành có 2 tổng là Định Bảo và Định An.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, đồng thời bỏ danh xưng quận, gọi thay thế bằng huyện. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến năm 1956 cũng thống nhất dùng danh xưng là xã, tuy nhiên vẫn gọi là quận cho đến năm 1975.
Năm 1951, chính quyền Việt Minh quyết định giải thể tỉnh Rạch Giá, sáp nhập địa bàn vào các tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ và Sóc Trăng. Trong đó, huyện Long Mỹ được giao về cho tỉnh Cần Thơ. Tuy nhiên, việc giải thể tỉnh Rạch Giá lại không được phía chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp của Bảo Đại và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa công nhận.
Đến năm 1954, chính quyền Việt Minh lại quyết định tái lập tỉnh Rạch Giá. Tháng 10 năm 1954, huyện Long Mỹ cũng trở lại thuộc tỉnh Rạch Giá.
Giai đoạn 1956-1976
Việt Nam Cộng hòa
Sau Hiệp định Geneve năm 1954, Pháp rút, Hoa Kỳ can thiệp vào miền Nam Việt Nam, thiết lập chính thể Việt Nam Cộng hòa. Lúc này vùng đất Long Mỹ, Phụng Hiệp lại có nhiều thay đổi. Ban đầu, chính quyền Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa vẫn duy trì tên gọi tỉnh Cần Thơ như thời Pháp thuộc.
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, theo Sắc lệnh số 143-NV, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh.
Năm 1957, quận Long Mỹ được chính quyền Việt Nam Cộng hòa chuyển giao cho tỉnh Phong Dinh quản lý.
Ngày 12 tháng 3 năm 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức khánh thành Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu.
Ngày 18 tháng 3 năm 1960, quận Long Mỹ được tách ra, thành lập một quận mới có tên là quận Đức Long. Hai quận này ban đầu đều trực thuộc tỉnh Phong Dinh.
Ngày 21 tháng 12 năm 1961, Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh số 244-NV thành lập tỉnh Chương Thiện, bao gồm những vùng được tách ra từ các tỉnh Phong Dinh (trước năm 1956 là tỉnh Cần Thơ), Kiên Giang (trước năm 1956 là tỉnh Rạch Giá) và Ba Xuyên (trước năm 1956 là tỉnh Sóc Trăng). Sau đó, lễ khánh thành tỉnh Chương Thiện được tổ chức trọng thể vào ngày 3 tháng 1 năm 1962. Tỉnh lỵ tỉnh Chương Thiện có tên là “Vị Thanh”, do lấy theo tên xã Vị Thanh thuộc quận Đức Long là nơi đặt tỉnh lỵ.
Tỉnh Chương Thiện ban đầu bao gồm 5 quận: Đức Long, Long Mỹ, Kiên Hưng, Kiên Long, và Phước Long. Trong đó, quận Đức Long nhận thêm một số xã tách từ quận Kiên Hưng vốn trước năm 1962 thuộc tỉnh Kiên Giang nhưng lúc bấy giờ cũng chuyển sang cùng thuộc tỉnh Chương Thiện; phần đất này trước năm 1956 lại thuộc về quận Giồng Riềng của tỉnh Rạch Giá.
Ngày 18 tháng 4 năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm lại ban hành Sắc lệnh 38-NV về việc thay đổi hành chính ở tỉnh Chương Thiện. Theo đó, thành lập mới quận Kiến Thiện trên cơ sở tách một phần đất đai của các quận Phước Long và Long Mỹ, quận lỵ đặt tại Ngan Dừa. Lúc này, tỉnh Chương Thiện bao gồm 6 quận trực thuộc: Đức Long, Long Mỹ, Kiên Long, Kiên Hưng, Phước Long, Kiên Thiện.
Ngày 8 tháng 9 năm 1964, Thủ tướng chính quyền mới của Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh 254-NV quy định kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1964 tái lập tỉnh Bạc Liêu. Lúc này, quận Phước Long trở lại thuộc tỉnh Bạc Liêu.
Kể từ đó cho đến năm 1975, tỉnh Chương Thiện còn lại 5 quận: Đức Long, Long Mỹ, Kiên Long, Kiên Hưng, Kiên Thiện.
Song song với tỉnh Chương Thiện, tại phần đất thuộc tỉnh Phong Dinh cũng có một số thay đổi hành chính.
Ngày 2 tháng 7 năm 1962, tỉnh Phong Dinh có thêm quận Khắc Nhơn, được thành lập do tách đất từ quận Châu Thành và quận Phong Phú (trước năm 1958 là quận Ô Môn) cùng tỉnh.
Ngày 20 tháng 4 năm 1964, đổi tên quận Khắc Nhơn thành quận Thuận Nhơn.
Ngày 23 tháng 4 năm 1968, lại lập thêm quận Phong Thuận, gồm các xã do tách đất từ quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh và quận Kế Sách, tỉnh Ba Xuyên.
Chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam
Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi “Phong Dinh” mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cần Thơ.
Sau năm 1961, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng không công nhận tên gọi “Chương Thiện” cùng với sự sắp xếp, phân chia hành chính như trên. Khu vực tỉnh Chương Thiện vẫn thuộc tỉnh Cần Thơ và tỉnh Rạch Giá chỉ đạo như cũ. Huyện Long Mỹ, thị xã Vị Thanh thuộc tỉnh Cần Thơ; các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận thuộc tỉnh Rạch Giá. Riêng huyện Hồng Dân (tức huyện Phước Long cũ) vẫn thuộc tỉnh Sóc Trăng, đến tháng 11 năm 1973 thì chuyển sang thuộc tỉnh Bạc Liêu.
Cho đến năm 1966, khu vực quận Long Mỹ và quận Đức Long của Việt Nam Cộng hòa vẫn cùng thuộc địa phận huyện Long Mỹ của chính quyền Cách mạng.
Từ năm 1957, chính quyền Cách mạng cũng đặt huyện Long Mỹ thuộc tỉnh Cần Thơ nhưng giữ lại xã Vị Thanh và nhập vào huyện Giồng Riềng của tỉnh Rạch Giá.
Tháng 7 năm 1960, huyện Giồng Riềng giao xã Vị Thanh về cho huyện Long Mỹ của tỉnh Cần Thơ quản lý.
Ngày 9 tháng 3 năm 1961, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định thành lập thị trấn Vị Thanh bao gồm khu vực chợ Cái Nhum và các ấp xung quanh, bên cạnh xã Vị Thanh.
Tháng 6 năm 1966, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tách thị trấn Vị Thanh và một số ấp của xã Vị Thanh ra khỏi huyện Long Mỹ để thành lập thị xã Vị Thanh trực thuộc tỉnh Cần Thơ.
Bên cạnh đó, tại vùng đất tỉnh Cần Thơ, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng không công nhận tên gọi các quận sau này do chính quyền Việt Nam Cộng hòa lập ra như Đức Long, Kiên Thiện (cùng thuộc tỉnh Chương Thiện), Thuận Nhơn, Phong Thuận (cùng thuộc tỉnh Phong Dinh).
Tháng 10 năm 1966, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ được chia ra thành hai huyện là Châu Thành A và Châu Thành B.
Cuối 1967 nhập lại là Châu Thành. Sau nhiều lần chia tách rồi sáp nhập Châu Thành Vòng Cung vào Châu Thành A, Châu Thành B nhập lại là huyện Châu Thành. Trong đó, địa bàn huyện Châu Thành A lúc bấy giờ cũng chính là huyện Châu Thành A ngày nay, còn địa bàn huyện Châu Thành B chính là huyện Châu Thành cùng thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng “quận” có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng “huyện” (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).
Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc “nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an, và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước”. Theo Nghị quyết này, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Cần Thơ (ngoại trừ huyện Thốt Nốt), tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên.
Nhưng đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, Bộ Chính trị lại ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế, theo đó tỉnh Cần Thơ (có cả huyện Thốt Nốt), tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ được tiến hành hợp nhất lại thành một tỉnh.
Tỉnh Hậu Giang cũ, giai đoạn 1976-1992
Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ để thành lập một tỉnh mới có tên là tỉnh Hậu Giang. Tỉnh lỵ khi đó lại đặt tại thành phố Cần Thơ, đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
Khi mới thành lập, tỉnh Hậu Giang gồm có thành phố Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng, thị xã Vị Thanh và 11 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu.
Ngày 15 tháng 12 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 330-CP về việc hợp nhất huyện Long Mỹ và thị xã Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang thành một đơn vị hành chính lấy tên là huyện Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang. Thị xã Vị Thanh chuyển xuống thành thị trấn Vị Thanh thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Ngày 26 tháng 10 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng của ban hành Quyết định số 119-HĐBT về việc tách huyện Long Mỹ thành hai huyện Long Mỹ và huyện Mỹ Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang.
Ngày 6 tháng 4 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng của ban hành Quyết định số 64-HĐBT về việc đổi tên huyện Mỹ Thanh thành huyện Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang.
Từ đó cho đến cuối tháng 3 năm 1992, tỉnh Hậu Giang lúc này bao gồm thành phố Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng và 6 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thanh, Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Vĩnh Châu. Tỉnh lỵ lúc đó lại là thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Cần Thơ có 7 đơn vị hành chính gồm: thành phố Cần Thơ và 6 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thanh, có diện tích tự nhiên 3.022,30 km² với số dân 1.614.350 người. Tỉnh lỵ: thành phố Cần Thơ.
Tỉnh Cần Thơ cũ, giai đoạn 1992-2003
Tỉnh Cần Thơ chính thức được tái lập và đi vào hoạt động trở lại từ tháng 4 năm 1992. Tỉnh Cần Thơ lúc đó có diện tích 2.965,36 km², dân số là 1.832.045 người, bao gồm thành phố Cần Thơ và 6 huyện là Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thanh. Tỉnh lỵ là thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày nay lúc đó thuộc tỉnh Cần Thơ.
Ngày 1 tháng 7 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 45/1999/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Vị Thanh, đổi tên huyện Vị Thanh thành huyện Vị Thủy và thành lập các phường, xã, thị trấn thuộc thị xã Vị Thanh và huyện Vị Thủy, tỉnh Cần Thơ.
Ngày 6 tháng 11 năm 2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 64/2000/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để thành lập huyện Châu Thành A thuộc tỉnh Cần Thơ. Theo đó, tái lập huyện Châu Thành A trên cơ sở 22.139 ha diện tích tự nhiên và 163.357 nhân khẩu của huyện Châu Thành.
Từ đó cho đến cuối năm 2003, tỉnh Cần Thơ gồm 9 đơn vị hành chính trực thuộc: thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Ô Môn, huyện Thốt Nốt.
Tỉnh Hậu Giang từ năm 2004 đến nay
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang như sau:
- Thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương có diện tích tự nhiên là 138.959,99 ha và dân số hiện tại là 1.112.121 ngưười, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Cần Thơ cũ; huyện Ô Môn; huyện Thốt Nốt; một phần của huyện Châu Thành, bao gồm: thị trấn Cái Răng; các ấp Thạnh Mỹ, Thạnh Huề, Thạnh Thắng, Yên Hạ và 176 ha diện tích cùng với 2.216 ngưười của ấp Phú Quới thuộc xã Đông Thạnh; các ấp Thạnh Hóa, Thạnh Hưng, Thạnh Thuận, An Hưng, Thạnh Phú, Phú Khánh, Khánh Bình và 254,19 ha diện tích cùng với 1.806 người của ấp Phú Hưng thuộc xã Phú An; các ấp Phú Thành, Phú Thạnh, Phú Thuận, Phú Thuận A và 304,61 ha diện tích cùng với 1.262 người của ấp Phú Lợi thuộc xã Đông Phú; một phần của huyện Châu Thành A, bao gồm: xã Trưường Long; xã Nhơn ái; xã Nhơn Nghĩa; ấp Tân Thạnh Đông và 84,7 ha diện tích cùng với 640 người của ấp Tân Thạnh Tây thuộc xã Tân Phú Thạnh.
- Tỉnh Hậu Giang có diện tích tự nhiên là 160.772,49 ha và dân số hiện tại là 766.105 người, bao gồm: diện tích và số dân của thị xã Vị Thanh; huyện Phụng Hiệp; huyện Long Mỹ; huyện Vị Thủy; phần còn lại của huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A, trừ phần diện tích và số dân của hai huyện này đã được điều chỉnh về thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương quy định như trên. Tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang đặt tại thị xã Vị Thanh.
Từ ngày 1 tháng 1 năm 2004, tỉnh Hậu Giang chính thức được tái lập và đi vào hoạt động trở lại. Ban đầu, tỉnh Hậu Giang bao gồm thị xã Vị Thanh và 5 huyện: Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy.
Ngày 26 tháng 7 năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 98/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Phụng Hiệp để thành lập thị xã Tân Hiệp, tỉnh Hậu Giang; thành lập phường, xã thuộc thị xã Tân Hiệp.
Ngày 27 tháng 10 năm 2006, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 124/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập xã, thị trấn thuộc thị xã Vị Thanh, huyện Long Mỹ; đổi tên thị xã Tân Hiệp thành thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Ngày 23 tháng 9 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP thành lập thành phố Vị Thanh trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Vị Thanh.
Ngày 15 tháng 5 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập thị xã Long Mỹ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của huyện Long Mỹ.
Ngày 19 tháng 12 năm 2019, thành phố Vị Thanh mở rộng được công nhận là đô thị loại II.
Ngày 10 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 869/NQ-UBTVQH14 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2020). Theo đó, thành lập thành phố Ngã Bảy trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Ngã Bảy.
Tỉnh Hậu Giang có 2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện như hiện nay.
Kinh tế
Trong 6 tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,08%, trong đó thu nhập bình quân đầu người đạt 12,39 triệu đồng/người, tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2011, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 6.251 tỷ đồng, đạt 54,8%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 3457 tỷ đồng, đạt 97% chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 29,5% so cùng kỳ, Năng suất vụ lúa Đông xuân đạt 7,1 tấn/ha, tăng 0,4 tấn/ha so với cùng kỳ, sản lượng đạt 554.182 tấn, giảm 2.156 tấn so cùng kỳ, xuống giống vụ lúa Hè Thu 77.381 ha, năng suất ước đạt 5,3 tấn/ha. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về mua tạm trữ gạo năm 2012, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu mua tạm trữ 15.000 tấn gạo, đạt 100% KH.
Tháp đồng hồ – Trung tâm thành phố Vị Thanh
Đến tháng 10 năm 2012, tình hình kinh tế xã hội có sự chuyển biến, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng thực hiện được 544,3 tỷ đồng, Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong tháng ước thực hiện được 912,1 tỷ đồng, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản được phân bổ 2.753,8 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng ước thực hiện được 2.090 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ thực hiện 26,3 triệu USD, Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,29% so với tháng trước. Tính đến ngày 24 tháng 10 năm 2012, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh thực hiện được 4.796,8 tỷ đồng, Tổng chi ngân sách trên địa bàn tỉnh thực hiện 3.535,7 tỷ đồng.
Đánh giá tình hình kinh tế xã hội trong tháng 10 năm 2012, có chuyển biến và tiếp tục phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực, nổi bật là, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,6% so với tháng trước, tăng 6% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,1% so với tháng trước, tăng 22% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 3% so với tháng trước, tăng 45,3% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất và dịch vụ thu ngoại tệ tăng so với tháng trước, tăng 29,3% so với cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhưng tỉ lệ thấp hơn tháng trước và thấp hơn bình quân chung cả nước.
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, đặc biệt khu vực 1 có mức tăng hơn 2,7%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tốt.
Xã hội
Giáo dục
Thị xã Long Mỹ
Hệ thống giáo dục tỉnh Hậu Giang bao gồm đầy đủ các cấp học, ngành học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học. Tiêu biểu như trường Đại học Cần Thơ (khu Hòa An), trường Đại học Võ Trường Toản, trường cao đẳng cộng đồng Hậu Giang, trường trung cấp Luật Vị Thanh, trường trung cấp nghề Hậu Giang, trường cao đẳng nghề Trần Đại Nghĩa và các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non…Giáo dục mầm non hiện nay đã có các cơ sở ở tất cả các huyện thị, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2008, toàn tỉnh Hậu Giang có 250 trường học ở các cấp phổ thông, đứng thứ 12 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Y tế: Tại Hậu Giang có một số bệnh viện như lớn như Bệnh viện đa khoa Hậu Giang với quy mô 500 giường, ngoài ra còn có các bệnh viện khác như Bệnh viện Sản – Nhi Hậu Giang, Bệnh viện Thành phố Vị Thanh,Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hậu Giang, Bệnh viện Lao phổi tỉnh Hậu Giang…và nhiều cơ sở y tế tại các xã phường, thị trấn thuộc tỉnh Hậu Giang. Đến năm 2008, toàn tỉnh có 80 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế. Trong đó có 8 bệnh viện, 8 phòng khám đa khoa khu vực và 64 trạm y tế phường xã. Tổng số giường bệnh là 1.692 giường, trong đó các bệnh viện có 1.135 giường, phòng khám đa khoa khu vực có 65 giường, trạm y tế có 492 giường, với 293 bác sĩ, 558 y sĩ, 387 y tá, 188 nữ hộ sinh, 17 dược sĩ cao cấp, 249 dược sĩ trung cấp và 2 dược tá.
Truyền thông
Logo Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang – HGTV
Tỉnh có một đài truyền hình địa phương, lớn thứ 2 ở Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ sau Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long và trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang.
Dân số
Dân số trung bình năm 2021 của tỉnh Hậu Giang là 729.888 người, tăng 108 người, tương đương tăng 0,01% so với năm 2020, bao gồm dân số thành thị 204.813 người, chiếm 28,06%; dân số nông thôn 525.075 người, chiếm 71,94%; dân số nam 367.453 người, chiếm 50,34%; dân số nữ 362.435 người, chiếm 49,66%.
Theo thống kê năm 2020, tỉnh Hậu Giang có diện tích 1.621,70 km², dân số năm 2020 là 726.792 người, mật độ dân số đạt 448 người/km².
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, dân số toàn tỉnh Hậu Giang đạt 733.017 người, mật độ dân số đạt 480 người/km². Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 213.887 người, chiếm 28% dân số toàn tỉnh, dân số sống tại nông thôn đạt 519.130 người, chiếm 72% dân số. Dân số nam đạt 366.206 người, trong khi đó nữ đạt 366.811 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương giảm 0,33 ‰ Đây cũng là tỉnh ít dân nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 733.000 dân. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2023 đạt 29,75%.
Hậu Giang có nhiều dân tộc khác nhau cư trú trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 10 năm 2009, tỉnh Hậu Giang có 7.533 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 35.268 khẩu, chiếm 3,16% dân số, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer với 5.537 hộ, 25.536 khẩu, đồng bào Hoa 1.977 hộ với 9.530 khẩu, các dân tộc Chăm, Ê Đê, Mường có 58 hộ với 202 khẩu.
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh có 11 tôn giáo khác nhau đạt 152.031 người, nhiều nhất là Phật giáo đạt 116.996 người, tiếp theo là Công giáo có 16.772 người, đạo Cao Đài có 8.751 người, đạo Tin Lành có 4.226 người, Phật giáo Hòa Hảo chiếm 3.226 người, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam đạt 1.315 người, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đạt 682 người. Còn lại các tôn giáo khác như Hồi giáo có 48 người, Minh Sư Đạo có 13 người, Minh Sư Đạo và Bà La Môn mỗi đạo chỉ có một người.
Văn hóa
Lời bài hát Tình Hậu Giang của nhạc sĩ Thiết Kiện
Bên cạnh đó, Hậu Giang còn có các làng nghề truyền thống đa dạng và phong phú, thể hiện những nét văn hoá đặc sắc của vùng đất, con người. Đặc sản về cây ăn trái của Hậu Giang cũng được nhiều người ưa chuộng như khóm Cầu Đúc, bưởi Phú Hữu, quýt đường Long Trị….Ngoài ra, tỉnh còn có đặc sản về thủy sản, cá thác lác Vị Thanh ngon nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tỉnh cũng có nhiều di tích văn hoá lịch sử như Căn cứ Tỉnh Ủy Cần Thơ, đền Bác Hồ, di tích Chiến thắng 75 Tiểu đoàn, di tích Tầm Vu,…. Hàng năm, mỗi khi có dịp lễ lộc, du khách các nơi tìm về không ít. Ngoài ra, còn có các lễ hội, đặc biệt là lễ hội đua ghe ngo truyền thống thu hút khá nhiều du khách đến xem.
Du lịch
Tượng đài Chiến thắng cao 8 m trong Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu
Tỉnh Hậu Giang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng. Xu hướng của khách du lịch trong nước lẫn quốc tế là tìm về với thiên nhiên, với miệt vườn sông nước, với rừng, núi, biển càng hoang sơ, ruộng đồng heo hút, chính vì lẽ đó Hậu Giang đang có nhiều dự án phát triển du lịch hướng vào xây dựng du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp với khu vui chơi giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi,….
Giao thông
Quốc lộ 61, đoạn qua Hậu Giang
Hệ thống giao thông Hậu Giang thuận tiện, nối liền các mạch giao thông với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Trên địa bàn tỉnh, có năm trục giao thông huyết mạch là Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Đường Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp. Ngoài ra, tuyến đường bộ nối Vị Thanh-Cần Thơ, tuyến đường Bốn Tổng -Một Ngàn là cầu nối quan trọng giữa Hậu Giang, thành phố Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang. Đường nội bộ tỉnh, gồm các tuyến 924 đến 933 với tổng chiều dài khoảng 400 km. Mạng lưới đường thủy, gồm có hai trục giao thông quốc gia kênh Xà No, kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp. Hệ thống kênh, rạch hình thành mạng lưới đường thủy chằng chịt, trải đều địa bàn tỉnh đảm bảo cho việc vận tải thủy thuận lợi.
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tổng cộng 89 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 87 vụ, đường thủy 02 vụ), làm chết 65 người (đường bộ 63 người, đường thủy 02 người) và làm bị thương 33 người (tập trung ở đường bộ). So với cùng kỳ năm trước giảm 05 vụ, số người chết giảm 11 người và số người bị thương giảm 02 người (tất cả tập đều tập trung ở đường bộ)
Biển số xe
- Thành phố Vị Thanh: B1
- Thành phố Ngã Bảy: F1
- Thị xã Long Mỹ: B1, D1
- Huyện Châu Thành: G1
- Huyện Châu Thành A: H1
- Huyện Vị Thủy: C1
- Huyện Phụng Hiệp: E1
- Huyện Long Mỹ: G1.
Hình ảnh
Danh nhân
Chính trị
- Trần Công Chánh (sinh 1959) – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Quê ở huyện Châu Thành
- Trần Quốc Trung (sinh 1960) – Nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Quê ở huyện Phụng Hiệp
- Huỳnh Thanh Tạo (sinh 1961) – Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang. Quê ở huyện Phụng Hiệp
- Trần Thanh Mẫn (sinh 1962) – Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Việt Nam. Quê ở huyện Châu Thành A
- Lữ Văn Hùng (sinh 1963) – Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Quê ở thành phố Ngã Bảy
- Huỳnh Phong Tranh (sinh 1955) Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân Dân tỉnh Hậu Giang. Quê ở huyện Long Mỹ.
Nghệ sĩ
- NSND Thanh Nam (quê huyện Châu Thành)
- NSƯT Thanh Điền (quê thành phố Vị Thanh)
- Diễn viên Khả Như (quê thành phố Ngã Bảy)
- Siêu mẫu Ngọc Thạch (quê thành phố Vị Thanh)