Bởi có hai bà cô ruột cùng lấy vua Trần Minh Tông (1314 – 1329), một bà là Hoàng phi Minh Từ, người sinh ra vua Trần Hiến Tông (1329 – 1341), một bà là Hoàng phi Đôn Từ, người sinh ra vua Trần Duệ Tông (1372 – 1377), nên Hồ Quý Ly rất được triều Trần biệt đãi. Đã thế, con gái của Hồ Quý Ly là hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông (1388 – 1398), rồi bản thân Hồ Quý Ly cũng lấy công chúa Huy Ninh là con của vua Trần Nghệ Tông (1370 – 1372) và em gái họ của Hồ Quý Ly lại lấy vua Trần Duệ Tông (người sinh ra vua Trần Phế Đế)… cho nên, quan lại triều Trần thời Nghệ Tông hầu như không ai không kiêng sợ Hồ Quý Ly.
Được thượng hoàng Trần Nghệ Tông che chở và tin cẩn, Hồ Quý Ly không còn coi ai ra gì nữa. trong suốt thời gian Nghệ Tông làm thượng hoàng (từ năm 1372 – 1394), Hồ Quý Ly đã gần như thao túng được toàn bộ các hoạt động của triều đình, đồng thời dùng mọi cách để lần lượt thủ tiêu những kẻ đối nghịch. Cuộc công phá có quy mô lớn đầu tiên của Hồ Quý Ly vào triều Trần là việc lật nhào ngôi vị của vua Trần Phế Đế (1377 – 1388). Sự kiện này diễn ra vào tháng 8 năm Mậu Thìn (1388) và được sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 8, tờ 10b và tờ 10a) chép lại như sau:
“Vua (đây chỉ Trần Phế Đế – ND) bàn mưu với Thái uý Ngạc (tức Trang Định Vương Trần Ngạc – ND) rằng:
– Thượng hoàng tin yêu ngoại thích là Quý Ly, cho hắn mặc sức làm gì thì làm, nếu không lo trước đi thì sau rất khó chế ngự.
Con của Vương Nhữ Chu là (Vương) Nhữ Mai lúc ấy đang hầu vua học, nhân đó biết mà tiết lộ mưu này nên Hồ Quý Ly biết được. Đa Phương (con Sư Tề, em kết nghĩa của Hồ Quý Ly – ND) khuyên Hồ Quý Ly tránh ra núi Đại Lại (tức núi Kim Ân, thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hoá – ND) để chờ xem biến động thế nào. Phạm Cự Luận nói:
– Không được, một khi đã ra ngoài (kinh thành) thì khó mà lo nổi chuyện sống còn.
Quý Ly nói:
– Nếu không còn phương sách gì thì ta đành tự tử, không để tay kẻ khác giết mình.
Cự Luận nói:
– Thượng hoàng trong lòng vẫn căm vua về việc giết Quan Phục đại vương (một trong những người con của Nghệ Tông – ND), và vua cũng chẳng vui gì về việc này. Nay quyền bính trong thiên hạ đều ở đại nhân cả mà vua lại mưu hại đại nhân thì ắt thượng hoàng càng lấy làm ngờ lắm. Đại nhân nên hãy liều vào lạy thượng hoàng, bày tỏ lợi hại thì nhất định thượng hoàng sẽ nghe theo, chuyển hoạ thành phúc dễ như trở bàn tay vậy. Thượng hoàng có nhiều con đích, đại nhân cứ tâu rằng, thần nghe ngạn ngữ nói: “Chưa ai dám bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con” (ý muốn chỉ việc Nghệ Tông cho lập cháu nội là Trần Phế Đế, con của Trần Duệ Tông làm vua mà không lập con mình lên làm vua – ND). (Nghe thế), may ra thượng hoàng sẽ tỉnh ngộ mà đổi lập Chiêu Định Vương (tức Trần Ngung, con út của Nghệ Tông- ND) lên ngôi. Nếu đến lúc ấy mà thượng hoàng vẫn không nghe thì chết cũng chưa muộn.
Quý Ly nghe theo, bí mật tâu với thượng hoàng như lời Cự Luận bàn. Thượng hoàng cho là phải”.
Lời bàn:
Nhờ có tài, lại nhờ mối quan hệ hôn nhân chằng chịt, Hồ Quý Ly đã tạo được thần thế cho riêng mình. Đã vậy, bên cạnh Quý Ly còn có Võ tướng khét tiếng là Võ Đa Phương, mưu sĩ trí xảo là Phạm Cự Luận, triều Trần đổ nát thật khó lòng mà quản chế nổi. Đến cả nhà vua mà còn bị gièm pha để rồi bị truất phế và bị giết một cách thê thảm, thì thử hỏi còn ai đủ sức qua mặt Hồ Quý Ly?
Hồ Quý Ly là người thế nào, khỏi bàn cũng đã rõ, chỉ tiếc là cái gốc của sự điên loạn lại nằm ngay trong phép dùng người của triều Trần.
Với Nghệ Tông, Trần Phế Đế là cháu nội, Trần Thuận Tông là con đẻ. Với Hồ Quý Ly, Trần Thuận Tông vừa là cháu họ lại vừa là con rể. Máu mủ trực hệ mà Nghệ Tông còn không thương tình, bảo Quý Ly phải thương xót con rể làm sao được? Sau, Quý Ly giết chết vua Trần Thuận Tông, cách nghĩ, cách làm tuy có khác, nhưng mạch đức hạnh thì cũng chung nhau đó thôi.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc thuần – NXB Giáo Dục