Làng Me là tên của xã Cung Thuận, nay thuộc xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ. Làng Me thờ thần Tản Viên. Trong tâm thức của dân làng, Đức thánh Tản đã có công đánh thắng Thủy Tinh, diệt trừ thủy quái, đem lại mùa màng tốt tươi cho nhân dân. Để ghi nhớ công ơn của Thánh Tản, hàng năm dân làng tổ chức đánh bắt các loài thủy tộc dâng tiến lên Ngài. Xuất phát từ quan niệm đó nên làng Me có tục thi đánh cá vào dịp hội làng. Hội làng thường được mở từ ngày mồng 2 đến mồng 10/2 Âm lịch hàng năm.
Hội làng Me có nhiều trò vui dân gian, nhưng đặc sắc hơn cả phải kể đến trò thi đánh cá vào sáng 4/2.
Làng Me có một cái ao lớn hình vòng cung như ôm lấy ngôi đình, dân làng vẫn gọi là ao đình. Cá nuôi trong ao đình không ai được đánh bắt trước khi vào đám. Hàng năm, làng phân công người làng trông nom ao cá chu đáo, do đó cá ở ao đình bao giờ cũng sinh sôi nảy nở rất phong phú về chủng loại: mè, trôi, trắm, chép…
Sáng sớm ngày 4/2, dân làng đã náo nức từ các xóm ngõ kéo nhau ra ao đình dự hội thi đánh cá. Xung quanh bờ ao, hàng mấy trăm người chia thành từng phe, từng giáp đã tề tựu với đủ nơm, cụp, vó… sẵn sàng đợi lệnh xuống bắt cá.
Quang cảnh hội thi hết sức nhộn nhịp và hồi hộp. Vòng trong là những người dự thi, dáng vẻ hăm hở, có người miệng còn bỏm bẻm nhai trầu cho đỡ lạnh. Còn vòng ngoài là tầng tầng lớp lớp những người đi xem, cổ vũ, đứng chật ních không còn hở một chỗ nào. Những người ở các xã lân cận cũng tới xem.
Sau khi vị đại diện của làng đã làm lễ khấn để xin lệnh đức Thánh ở đình, một hồi trống ngũ liên nổi lên dồn dập, vang lừng, như thôi thúc. Thế là tất cả những người dự thi đều nhất tề nhẩy ùm xuống ao. Kẻ nơm người chụp khua múa rối rít, loạn xạ ở dưới nước.
Nước ao chao động sóng sánh, bọt nước đục ngầu, bắn tung toé cả lên bờ. Tiếng người đuổi bắt cá dưới ao hò reo một, thì tiếng người cổ vũ trên bờ hò reo mười, thêm vào đó là tiếng trống thúc giục đổ hồi, tạo nên những âm thanh pha tạp, ồn ào, náo nức, rầm vang cả một góc trời.
Với công cụ trong tay, mạnh ai nấy úp, họ chen lấn, tranh cướp từng bước chân, từng khoảng trống, khiến cho cá bị dồn đuổi, quẫy nhảy tứ tung, có con quá hốt hoảng nhảy cả lên trên bờ. Mỗi khi có người bắt được cá, kể cả bắt trượt cá, tiếng hò reo lại nổi lên rầm trời. Ai bắt được con nào đều đưa ngay cho người nhà đã đợi sẵn trên bờ, để gom riêng từng phần mà tính điểm thi.
Hội thi đánh cá ồn ào, sôi động, kéo dài cho đến tận quá giờ mùi, khoảng nửa buổi chiều, khi nghe tràng pháo nổ báo hiệu kết thúc thì mọi người mới ngừng tay. Bấy giờ, từng phần cá đều được khiêng cả vào sân đình để chấm điểm. Đám người xem hội lại ùa vào theo, nhất là đám nam nữ thanh thiếu niên, tha hồ mà xô đẩy, chen lấn, hò hét ầm ầm, thật đúng là cảnh “tả tơi xem hội.”
Những người được phần thưởng mặt mày hớn hở. Những người không được thưởng cũng tươi vui, hồ hởi. Người làng Me hôm ấy đắm mình trong không khí vui vẻ, sảng khoái.
Số cá thu được trong hội thi được đem chia đều cho tất cả mọi người trong làng để làm tiệc cá. Tục thi đánh cá làng Me là ảnh xạ của một lễ nghi nông nghiệp cổ xưa, mà trong đó tàn dư của tư tưởng cộng đồng thị tộc còn thấy khá rõ.
Một vài nơi khác ở xứ Đoài cũng có tục thi đánh cá thờ thần núi Tản Viên, nhưng hội thi đánh cá làng Me là vui hơn cả, đặc sắc hơn cả. Bởi vậy, nó được nhân dân khắp nơi hưởng ứng, ngợi ca và đã đi vào câu hát dân gian tự thưở nào.
Theo 1.000 năm Thăng Long/Vietnam+