Lai Tảo là một làng cổ thuộc Xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Tương truyền, sau khi giúp Hai Bà Trưng đánh quân Nam hán, thắng trận trở về 3 vị Đại Vương (Đệ nhất Đại vương Cao Quế Minh thượng đẳng thần, Đệ nhị đại vương Cao Tuấn trung đẳng thần, Đệ nhị đại vương Cao Châu Pháp trung đẳng thần) du xuân ở lễ hội chùa Hương đã qua miền Cảo Trang (tên gọi của Làng Lai Tảo trước đây), nơi cha mẹ 3 vị đã nghỉ lại trong dịp đi cầu tự ở chùa Hương trở về, rồi cấp cho làng 12 nén bạc, 12 nén vàng để mở hội ăn mừng. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày 11, 12 13/3 âm lịch là làng mở hội để tưởng nhớ công đức của các vị đại vương.
Những ngày gần tới hội làng, các xóm trong làng nhà nhà chuẩn bị lợn gà, xay lúa, giã gạo, giã bột để làm bánh. Đình, Đền, các nhà chức sắc, các ông lành, cụ từ đã quét dọn, lau rửa, rồi trang hoàng, bày biện nơi thờ tự thật lộng lẫy, uy nghi, trước hồ trên khuôn Đình là cờ thần, cờ đỏ sao vàng khổ lớn phần phật bay. Trên cổng đình là băng rôn thắm màu lụa với hàng chữ ‘’ Khánh hội du xuân Tam vị thượng đẳng tối linh thần’’.
Từ ngày 10/3, ở Đình, chùa, Đến, Miếu đã chằng buộc kiệu, sắm sửa cờ, các đồ khí tự,… Rồi lễ cáo, lễ sao bái. Ngày 11/3, từ rất sớm, các nhà chức sắc, hương lão, các chư già khăn áo chỉnh tề đã có mặt tại Đình.
Các đội phủ giá, tài tử bát âm, đội rồng, đội cờ, đội xênh tiền, hàng lối chỉnh tề trên sân. Phủ giá chọn những trai làng khoẻ mạnh, chưa vờ, đều nhau ăn vận áo nâu màu vàng có đường viền đỏ thân thêu long hoá, thắt lưng đỏ, chân quấn xà cạp vàng, viền đỏ đi giày trắng. Dưới sự chỉ huy của 1 nhạc trưởng, 12 nhạc công với trốn lớn, trống nhỏ, trống phường, thanh la nạo bạt, chiêng đồng, sáo trúc, hồ nhị…hoà tấu nên những bản nhạc dân tộc rộn ràng trầm bổng, du dương. Cùng lúc từ các ngả đường, dân đinh nam phụ, lão ấu trong trang phục mới đẹp, đủ các màu từng đoàn từng đoàn đổ về Đình nơi diễn ra lễ hội.
Giờ tốt đã chọn, các nhà chức sắc cho lệnh khởi kiệu đi qua Miếu Bà, đến Đền Trung, Đền Thượng, chùa Thuỷ Vân tự để phụng nghin các chư vị về hội đồng tế tự. Theo giờ định, từ các Đền, Chùa kiệu hội tụ tại ngã ba đầu làng phía trước đền Thượng thành 1 đoàn rước. Từ đây, đoàn diễn trên con đường nghinh thần cong cong uốn khúc từ đầu làng nơi có chùa Thuỷ Vân tự đến tận Đình dài tới ngàn mét.
Đây là con đường của các vị thần mà làng tôn thờ, trong tâm thức người dân Lai Tảo, con đường này rất linh, từ bao đời nay người ta kiêng kị đám cưới, đám tang không dám đi dọc con đường này mà phải lựa đường đi tránh. Kéo dài cả hàng trăm mét, đoàn người dự lễ hội đông đúc, chật ních cả con đường rộng. Từ xa đã thấy sắc màu rực rỡ kiệu, ngai lộng lẫy, uy nghi. Đi đầu đoàn rước là đội rồng, tiếp đến là đội kỳ. Sau đó, hai hàng đều đặn các cụ hương lão khăn xếp, áo lương, quần trắng, tay mang truỳ đồng, hồng trượng, đại đao phù việt. Các kiệu phù nhang đi đầu kì khẩu. Ngự trên kiệu bát cống được 8 phủ giá cung nghinh là bóng ngài đức Tản Viên Sơn. Kiệu được làm bằng loại gỗ quý, đục long suốt, hoa văn tinh tế, sơn son thếp vàng.
Hai bên là các chư già, áo dài cổ mang tràng hạt, tay cầm hương nghi ngút. Hút mắt mọi người về hội, xem rước là kiệu tam vị được 12 phủ giá cung nghinh, có lẽ là bộ kiệu lớn nhất vùng này. Tam vị ngự trên 3 ngai lớn, mình mang áo gấm thắt đai xiêm nhà binh, chân đi hia trên đầu cánh mũ lung linh toả ánh hào quang. Cứ như vvậy, đoàn rước diễu hành trên con đường lớn, sau hơn canh giờ mới về tới Đình. Kiệu ngự ở sân Đình: các nhà chức sắc, các ông lành, các cụ hương lão lần lượt cung nghin các chư vị vào cung theo đúng vị trí mà từ xưa tiền nhân đã làm, rồi lễ yên vị. đến chiều cùng ngày, làng mở tuần tế yết cỗ tế gồm: Xui thủ, Xôi kê, oản quả,…
Đêm đến có chiếu chèo, Tuồng cổ tại Đình. Ngày 12/3 là chính hội. Hầu như thâu đêm hôm trước, các xóm mọi người mọi nhà tất bật mổ lợn, mổ gà, đồ xôi, nấu chè, nấu bánh làm cỗ để dâng lên tế thần và cúng tổ tiên. Từ tinh mơ, cỗ tế ở các xóm được đưa lên kiệu, những trai tân cường tráng theo nhịp trống rước cỗ vào Đình đi theo là hương lão, chư già cùng bà con lối xóm. Cuộc tế lẽ kéo dài tới gần trưa. Bên cạnh tế lễ, còn diễn ra các trò chơi dân gian như bắt vịt tại ao Đình, múa kiếm, bắn cung,…
Tan chiếu chèo nửa đêm có tế bán dạ. Ngày 13/3, từ sáng sớm sau khi tế tạ làm lễ phụng nghinh từ Đình làng khởi kiệu rước các chư vị hoàn cung. Sau khi hoàn cung là lễ yên vị. Chiều cùng ngày, làng tổ chức lễ tạ.
Hội là dịp nhắc nhở dân làng nhớ ơn đức thượng đẳng thần có công hộ quốc cứu dân, hướng về cội nguồn nhớ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ sinh thành.
Theo : Cinet