Hội làng Triều Khúc

Thời gian:  Từ mồng 9 đến 12 tháng giêng âm lịch, định kỳ ba năm một lần.

Theo tích xưa, Phùng Hưng thắng giặc, lên ngôi vua, xưng là Bố Cái Đại Vương. Sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ và suy tôn làm thành hoàng.

Ngày mùng 9,  cửa đình được mở để lau chùi và làm lễ “Nhập tịch”

Sáng mùng 10, người dân đã tề tựu đông đủ ở Đại đình tiến hành lễ tế chính thức.

Theo truyền thuyết thì đây là lễ Tức vị (tức Lễ lên ngôi) của Phùng Hưng. Một đám rước long trọng, với đầy đủ những nghi lễ cần thiết rước mũ áo hoàng đế của Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Đại. Các cụ già, những chàng trai, cô gái làng ăn mặc đẹp theo đúng nghi thức hội lễ: quần lụa, áo the, áo gấm, hài thêu hoa văn cầu kì, rực rỡ. Đoàn khiêng kiệu toàn những thanh niên trai tráng chưa vợ, vừa rước kiệu, nghi trượng che lọng vàng, lọng tía… vừa múa hát các điệu múa cổ như: múa trống bồng, múa sênh tiền trong tiếng nhạc réo rắt của đội nhạc phụ hoạ. Điều đặc biệt ở đám rước này, người rước hai bên vừa đi vừa ngoảnh mặt vào nhau. Khi đám rước đến nơi, các bô lão kính cẩn đọc văn tế, làm lễ dâng hương, mở hòm sắt lấy bút và chính thức bắt đầu cuộc tế lễ.

Ngoài phần lễ còn có phần hội rộn ràng hơn với các điệu múa cổ như: múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa bồng và múa chạy cờ. Đáng chú ý nhất trong ngày hội làng là múa “con đĩ đánh bồng”, một điệu múa có tính ước lệ cao. Sở dĩ điệu múa nam giả nữ biểu diễn, là do từ xưa nữ giới không được tham gia vào chốn linh thiêng. Hơn nữa, mặc dù giả gái, nhưng những động tác lại toát lên phong thái nam nhi, tinh thần thượng võ. Phụ nữ khó thể hiện được tính cách ấy.

Ngày 12 là ngày giã hội. Dân làng làm lễ giã đám và kết thúc bằng điệu múa cờ. Điệu múa tượng trưng sự tích Phùng Hưng kén người tài bổ xung và quân ngũ trước khi lên đường quyết chiến với tướng giặc Cao Chính Bình của nhà Đường. Kết thúc buổi lễ, người dân tụ họp lại ở đình hưởng miếng lộc thánh, hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn.

Hội làng vẫn giữ được nét nguyên sơ nhất của lễ hội truyền thống, nó mang cốt cách, nét đẹp tâm linh của thủ đô ngàn năm văn hiến. Nét nguyên sơ ấy được người dân Triều Khúc lưu truyền, còn mãi ở vùng quê cổ kính này.

Theo : Cinet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.