Hội Làng Trịnh Nguyễn được tổ chức vào ngày 10/3 Âm lịch hàng năm, tại phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày.
Người dân nơi đây, kể cả những người đã từng sinh ra và lớn lên ở làng Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) dù đã đi làm phương xa, ai ai cũng thuộc lòng câu răn dạy: “Dù ai đi khắp bốn phương/ Nhớ ngày giỗ tổ Hùng Vương lại về”. Ngày 10-3 âm lịch là ngày Quốc lễ và cũng là ngày Hội của làng Trịnh Nguyễn. Vì thế cứ vào dịp này hàng năm, người dân làng Trịnh Nguyễn lại nô nức chuẩn bị cho lễ hội kéo dài trong 3 ngày.
Trước đây, làng Trịnh Nguyễn có tên gọi là làng Nguyễn Xá. Sau bao biến thiên của trời đất, tên làng đã thay đổi và nay có tên là khu phố Trịnh Nguyễn. Nhưng người dân ở Trịnh Nguyễn và các vùng lân cận vẫn quen gọi làng Trịnh Nguyễn. Tại khu phố Trịnh Nguyễn ngày nay, một cụm di tích lịch sử văn hoá hoàn chỉnh là Đền-Đình-Chùa, vẫn được bảo toàn. 20 năm qua, dân làng Trịnh Nguyễn đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đại trùng tu kiến tạo lại khu di tích này ngày một hoàn chỉnh, khang trang.
Làng Trịnh Nguyễn thờ đức vua Hùng-đó cũng là lý do tại sao ngày hội của làng được tổ chức đúng ngày 10-3 âm lịch. Trịnh Nguyễn là một làng còn giữ được nhiều phong tục và cổ vật quý như các đạo sắc phong, ngọc Phả…
Cứ vào năm chẵn, lễ hội làng Trịnh Nguyễn tổ chức to; những năm lẻ tổ chức nhỏ với các hoạt động như rước lễ, tế hội đồng, hát quan họ, ca trù, thi đấu vật, chọi gà, bắt vịt…
Sáng 10/3 Âm lịch, tại ao làng trước sân đền, các liền anh, liền chị trong câu lạc bộ quan họ của làng Trịnh Nguyễn, tổ chức hát quan họ. Ngồi trên thuyền rồng, các liền anh liền chị hát điệu Mời trầu, Ngồi tựa mạn thuyền… làm say đắm lòng khách thập phương về dự hội.
Trong ngày đầu tiên của lễ hội, các trò chơi bịt mắt bắt gà, bắt vịt dưới ao, đấu vật, chọi gà diễn ra trong không khí vui vẻ, sôi nổi. Người bắt được gà, được vịt càng vui, người thua cũng không tỏ ra chán nản.
Một trong những nét văn hóa tiêu biểu của người dân Trịnh Nguyễn vẫn được giữ gìn từ xa xưa đến nay là tục mời khách. Không phải mời người trong làng, trong họ đến dùng cơm mà mời khách từ thập phương về dự hội. Gia chủ nào mời được càng nhiều khách từ nơi khác đến dự hội và dùng cơm với gia đình thì càng tự hào, vinh dự. Điều đó thể hiện sự giao thiệp rộng rãi của gia chủ và cũng là cách để người dân Trịnh Nguyễn thể hiện sự trọng thị với những người yêu mến nét văn hóa của làng Trịnh Nguyễn.
Mâm cơm mời khách bao giờ cũng tươm tất, dù nhà giàu có hay nhà kém điều kiện, trước là để dâng lên tiên tổ, sau là để đãi khách. Đa số, gia đình nào cũng thịt hai con chó, vài con gà, gói mấy trăm chiếc bánh tẻ và chuẩn bị trái cây các loại.
Trong 3 ngày hội, người đảm nhiệm việc nội trợ trong gia đình luôn vất vả, bận rộn nhất, nhưng đó cũng là niềm vui lớn nhất của người đã góp phần gìn giữ nét văn hóa ẩm thực của làng Trịnh Nguyễn.
Theo : Cinet