Thánh nhân trị thiên hạ tất phải biết loạn từ đâu mà ra thì trị thiên hạ mới được, không biết loạn từ đâu ra thì trị không nổi được thiên hạ. Ví như thầy thuốc chữa bệnh cho người ta, tất phải biết bệnh căn tự đâu khởi ra thì mới chữa được, chớ không biết thì chữa không nổi được bệnh. Người trị loạn có khác gì thế?
Loạn tự đâu mà sinh ra? Sinh ra bởi không yêu nhau.
Con không hiếu với cha, tôi không trung với vua, thế là loạn đấy. Con chỉ yêu thân con, không yêu đến cha, cho nên làm thiệt cha để lợi mình; em chỉ yêu thân em, không yêu đến anh, cho nên làm thiệt anh để lợi mình; bầy tôi chỉ biết yêu thân mình mà không biết yêu vua cho nên làm thiệt vua để lợi mình. Thế là loạn đấy.
Tuy đến cả cha mà cũng không thương con, anh mà cũng không thương em, vua mà cũng không thương bầy tôi, thế cũng là loạn. Cha chỉ yêu thân cha, không yêu đến con, cho nên làm thiệt con, để mình được lợi, anh chỉ yêu thân anh, không yêu đến em, cho nên làm thiệt em để mình anh được lợi, vua chỉ yêu thân vua, không yêu bầy tôi, cho nên làm thiệt bầy tôi để mình được lợi.
Tại sao mà sinh ra những điều ấy? Có phải chỉ tại không yêu nhau cả thôi không? Đến cả quân trộm, quân giặc cũng vậy. Thằng trộm chỉ biết yêu nhà mình không biết yêu nhà người khác, thằng giặc chỉ biết yêu thân mình chẳng yêu thân người khác, cho nên sát hại thân người khác để lợi thân mình. Tại sao mà sinh ra như thế? Có phải chỉ tại không yêu nhau cả mà thôi không?
Cho đến cả các quan khuynh loát nhau, các nước chư hầu đánh lẫn nhau, cũng chỉ tại các quan chỉ biết yêu nhà mình, không yêu nhà khác cho nên hại nhà khác để lợi cho nhà mình, các nước chỉ biết yêu nước mình không yêu nước khác cho nên đánh nước khác để lợi cho nước mình.
Ấy thiên hạ sinh ra loạn là bởi như thế cả.
Nếu biết yêu nhau, thì còn ai nỡ hại ai, mà thiên hạ làm gì chẳng bình trị.
Mặc Tử
Lời bàn: Đại ý của bài rút lại một câu là: loạn mà sinh ra là chỉ do cái lòng không yêu nhau hết cả. Cầu lợi cho mình tức là muốn hại người, mà hại người, tất ghét người, giết người, tất người ghét lại mà thành ra không ai được bình yên, ai cũng chỉ lo toan tranh cướp lấy lẫn của nhau mà thôi. Vậy muốn cho khỏi loạn, tất phải làm sao cho thiên hạ biết yêu nhau. Mà có yêu nhau thì mới thương nhau, đã yêu thương nhau thì mầm loạn tắt. Đó chính là cái cốt yếu của Mặc Tử, là cái ý kiếm ái, yêu cả loài người không phân biệt thân sơ gì cả.
Ý Mặc Tử đây cũng giống như ý của Mạnh Tử nói: “Ở đời, ai nấy đều con cái biết thân yêu cha mẹ, kẻ dưới biết tôn trọng người trên, thì tự khắc thiên hạ bình trị”, nhưng có phần thống thiết hơn, vì nói đến cả vua trên, cả cha mẹ cũng không thương yêu tôi con cho nên sinh loạn. Cái thuyết ấy kể thật xác đáng, ở cái đời ai ai cũng chỉ tự tư, tự lợi,có nói thế, mới mong người tỉnh lại ít nhiều chăng.
(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)