Lẩu Then là một nghi lễ văn hóa truyền thống mang tính chất tín ngưỡng của người Tày-Nùng-Thái, những dân tộc thiểu số anh em ở miền nhúi phía Bắc Việt Nam. Loại hình văn hóa này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Việt Nam) cấp bằng công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào đầu năm 2013.
Sơ lược
Lẩu Then Bình Liêu, đã được hình thành từ rất lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Diễn xướng Then nghi lễ cổ của tộc người Tày ở Bình Liêu có ba hình thức chính là: Cấp sắc Then; cầu phúc, cầu an, giải hạn, hoàn trả lễ và cầu hoa, cầu có con nối dõi tông đường. Các nghi lễ diễn ra trong 2 ngày đêm với nhiều nội dung như: Lễ cúng tổ tiên; lễ dọn đường cho các quan Then bắt đầu cuộc hành trình lên mời Ngọc Hoàng và các sư phụ Then đã về với tiên tổ cùng về làm lễ “Lẩu then”; lễ cúng mời; lễ cúng dâng rượu; cúng trừ ma; cúng giải hạn… Một hình thức quan trọng trong “Lẩu Then” cũng như “lễ cấp sắc” của các thầy Then là lễ “lên lầu” (lên trời) nhằm cầu phúc, cầu an, thăng quan, thêm binh quyền. Mặc dù là loại hình trình diễn nghi lễ nhưng Then cổ hấp dẫn bởi được thể hiện bằng giai điệu dễ hát với lời thơ trau chuốt dễ thuộc, chỉ cần một tính tẩu (đàn tính) đệm thôi là cả đêm hát cúng Then hiện ra; người nghe, người xem như nuốt từng lời, từng luyến láy của câu của chữ, mà tưởng như mình cùng đi trong đoàn quan quân binh mã cờ xí rợp đất, trống chiêng vang trời do quan Then dẫn đi về tiên tổ…