Lê Hoàn tiếp sứ giả nhà Tống như thế nào?

Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1) có mấy đoạn ghi chép về việc này.

Đoạn thứ nhất (tờ 19-b), chép chuyện Lê Hoàn tiếp phái bộ sứ giả nhà Tống do Tống Cảo cầm đầu. Phái bộ này đến nước ta vào năm Canh Dần (990):

“Nhà Tống sai quan giữ chức Tả Chính Ngôn là Tống Cảo, quan giữ chức Hữu Chính Ngôn là Vương Thế Tắc, mang tờ chế sắc sang phong thêm cho Nhà vua hai chữ đặc tiến. Vua sai bọn Nha Nội Chỉ Huy Sứ là Đinh Thừa Chính đem chín chiếc thuyền đến tận Thái Bình (đất này nay thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc) để dẫn sứ giả theo đường biển mà vào. Nửa tháng sau thì sứ giả đến sông Bạch Đông rồi cứ thế, theo thủy triều mà đi. Mùa thu, tháng chín, sứ giả đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu (thuộc Ninh Bình). Nhà vua ra ngoài thành để tiếp. Khi tiếp thì bày các thứ chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa, cùng đi với sứ giả. Đến cửa Minh Đức (tên một cửa trong kinh thành Hoa Lư), Nhà vua để chiếu thư lên trên điện chứ không chịu lạy, nói dối rằng, năm ngoái đi đánh giặc man, ngã ngựa nên đau chân. Tống Cảo và Vương Thế Tắc tin ngay là thực. Sau đó, Vua bày yến tiệc để thiết đãi sứ giả và nói với Tống Cảo rằng:

– Từ nay trở đi, hễ có quốc thư thì chỉ nên giao nhận ở biên giới, không phiền sứ giả phải đến tận đây nữa.

Tống Cảo về tâu lại. Vua Tống bằng lòng”.

Đoạn thứ hai (tờ 22-b) chép chuyện Lê Hoàn tiếp phái bộ sứ giả của nhà Tống do Lý Nhược Chuyết cầm đầu, đến nước ta vào năm Bính Thân (996):

“Vua nhà Tống sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và  đai ngọc sang ban cho Vua. Khi Lý Nhược Chuyết đến, Vua cũng ra tận phía ngoài thành để đón nhưng lại tỏ cho sứ giả thấy mình cao quý khác thường, ngạo mạn không chịu làm lễ. (Nhân vì Lý Nhược Chuyết có ý phiền, rằng sao Nhà vua lại nỡ để cho quân lính tràn sang cướp phá châu Như Hồng của nhà Tống). Vua nói:

– Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn cướp biển ở ngoài cõi, Hoàng đế hẳn biết là không phải quân của Giao Châu (chỉ quân ta). Nếu như Giao Châu mà làm phản thì trước hết sẽ cho quân đánh vào Phiên Ngung, sau đó đánh thẳng vào Mân Việt, há có phải là dừng lại ở trấn Như Hồng mà thôi đâu”.

Lời bàn: Lần thứ nhất, Lê Hoàn vừa đón sứ giả lại vừa bày các thứ chiến cụ để… hù dọa sứ giả. Sứ giả sợ cũng chí phải, bởi vì nhà Tống đem binh hùng tướng mạnh sang mà còn bị Lê Hoàn đánh cho tơi bời, huống chi là lúc này, sứ giả chỉ là hai viên quan văn yếu ớt. Làm sứ giả của nước bại trận, kể cũng khốn khổ thay. Cho nên, vừa nghe Lê Hoàn nói dối là đau chân vì bị ngã ngựa từ năm ngoái, sứ giả đã vội tin ngay, không dám bắt lỗi việc Lê Hoàn không thèm lạy chiếu thư của Thiên Tử. Lê Hoàn bảo rằng từ đây, hễ có quốc thư thì chỉ cần giao nhận ở biên giới là đủ, không phải vào kinh đô làm gì, ấy thế mà Tống Cảo phải nghe, vua Tống cũng phải nghe. Hóa ra, làm vua của nước bại trận còn nhục nhã cam phận, huống chi là sứ giả cỡ như Tống Cao kia!

Lần thứ hai, thái độ ngạo nghễ của Lê Hoàn, đủ tỏ cho sứ giả lẫn Thiên Triều thấy rằng, Lê Hoàn chẳng coi Thiên Tử ra gì. Sử chép lời Lê Hoàn, ấy là tỏ cho muôn đời biết rằng, khí phách Lê Hoàn là khí phách chung của con Hồng cháu Lạc, kẻ nào muốn dòm ngó nước ta thì hãy đọc kĩ lời này.

Bấy giờ, đất ta chưa rộng, người ta chưa đông, sức ta chưa thật mạnh, nhưng Lê Hoàn vẫn nghiêm giữ quốc thể. Tờ sắc phong tước vị và báu vật mà thiên triều ban không hề làm cho Lê Hoàn chịu khom lưng. Ôi, phải chi ai ai cũng giữ được nhân cách trước mọi cám dỗ của người ngoài!

(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.