Hàng năm, lễ hội đền Đại Lộ được tổ chức trọng thể tại đền Đại Lộ, chùa Đại Lộ và đền Quan trong 10 ngày, từ ngày 01 đến 10 tháng Hai âm lịch tại xã Ninh Sở, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Lễ hội nhằm suy tôn “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương” là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thương Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Địa, lưu giữ được nét đẹp văn hóa thờ Mẫu truyền thống lâu đời của nhân dân Việt Nam.
Đền Đại Lộ cách trung tâm thành phố khoảng 15km về phía nam. Đền được xây dựng từ Triều Trần, cách đây khoảng hơn 700 năm. Xung quanh sự ra đời của ngôi đền cũng như lễ hội truyền thống này đã có nhiều nghiên cứu khác nhau, nhưng các cụ cao tuổi trong làng vẫn truyền lại cho con cháu một sự tích mang màu sắc huyền bí, đầy tự hào.
Xưa kia, đoạn đê ở làng quê Ninh Sở bị vỡ, người dân trong làng tìm mọi cách để đắp lại nhưng đều không thành. Sau đó, đích thân nhà Vua cùng dân làng ra sông Nhị Hà cầu khấn, làm lễ xin ba vị thánh mẫu cho hạp long khúc đê, dân làng xin lập đền thờ phụng. Lúc đó, có hai ông rắn (dân làng gọi là hai ông đốp hay ông đốt) đột nhiên xuất hiện, từ từ đấu đuôi lại với nhau, từ đó đoạn đê được hạp long và không bao giờ bị vỡ nữa. Chính vì vậy, ngay phía trên các ban thờ trong đền Đại Lộ đều được trang trí bởi hai con rắn cuộn mình trên các thanh xà.
Lịch lễ hội được diễn ra như sau:
Ngày 01/02: Buổi sáng, lễ mở cửa đền, lễ cúng khai quang yên vị ở đền Đại Lộ và đền Quan được tổ chức. Buổi chiều, dân làng và du khách thập phương vào lễ Thánh.
Ngày 02/02 : Buổi sáng, diễn ra lễ tế nhập tịch ở hai đền (đền Quan tế trước, đền Đại Lộ tế sau); Buổi chiều, đội nam tế đền Quan, đội nữ tế đền Đại Lộ.
Ngày 03/2: Buổi sáng, đội nam tế đền Đại Lộ; Buổi chiều, lễ hạ sắc ở đền Quan và lễ rước sắc về chùa Đại Lộ được tổ chức.
Ngày 04/2: Buổi sáng, rước sắc lên đền Quan, sau đó ra đền Đại Lộ; Buổi chiều, các kiệu ở đền Quan và đền Đại Lộ được rước về sân chùa Đại Lộ để chuẩn bị cho lễ rước nước. Sau đó, đội nam tế đền Quan và đội nữ tế đền Đại Lộ.
Ngày 05/2: Từ sáng sớm, đoàn rước sẽ rước kiệu, chóe đựng nước cùng đầy đủ lễ vật từ chùa Đại Lộ ra bến Lộ để lên thuyền ra giữa sông lấy nước. Sau đó, nước được rước về đền Đại Lộ để thờ Mẫu. Tại đây, đoàn tế nam làm lễ hạ sắc và rước sắc về chùa Đại Lộ. Đến tối, đội nữ tế đền Đại Lộ.
Ngày 06/2 (Chính hội): Buổi sáng diễn ra lễ rước sắc từ chùa Đại Lộ ra đền Đại Lộ, tiếp theo là lễ tế Thánh của đội tế nữ. Buổi chiều và tối, đội tế nam của đền Đại Lộ và các làng lần lượt hành lễ tế Thánh. Đây là ngày chính tiệc của Tứ vị Thánh Mẫu, nên đan xen giữa các lễ tế là các hoạt động hầu Thánh của các đệ tử nhà Thánh với ý nghĩa tưởng nhớ và tôn vinh công đức của người.
Ngày 07 – 08 – 09/2: Đội tế nam và nữ ở các đền từ một số địa phương lân cận về hành lễ tế Thánh.
Ngày 10/2 : Lễ hội kết thúc với màn tế giã hội của đội tế nam và đội tế nữ ở đền Đại Lộ, chùa Đại Lộ và đền Quan.
Trong thời gian tổ chức lễ hội còn có các trò chơi dân gian như: đánh cờ tướng, kéo co, bóng đá, đập niêu và biểu diễn hát quan họ, hát văn…
Theo : Cinet