Đình Hàng Kênh tên chữ là Nhân Thọ Đình nằm trên địa bàn xã Dư Hàng Kênh – huyện An Dương ( nay thuộc phường Hàng Kênh – quận Lê Chân ) thành phố Hải Phòng. Đình Hàng Kênh là một công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc có giá trị của thành phố. Lễ hội ở đình Hàng Kênh thường tổ chức trong 5 ngày vào trung tuần tháng 2 âm lịch ( từ ngày 16 đến 20).
Theo như trước đây thì vào khoảng 7 giờ tối ngày hôm trước, dân làng phải tập trung ở đình để tế nhập tịch ở bên trong đình ( tế nội tán ). Ngày trước thì thường không có tế nữ quan – các quan viên tế đều là nam giới, ban tế có khi lên tới 26 người, trong đó có một mạnh bái và 5 bồi tế. Nhưng khi tế đến đoạn tiến tước và quân hiến thì có đôi nữ đi sau ( mỗi bên một người ) vừa đi vừa múa tay không theo điệu nhạc lưu thủy. Ngày lễ chính thức ( 16/2 âm lịch ) trừ mấy vị chức sắc và tế đám thì người được phân công chịu trách nhiệm ngày hội phải ngủ lại đình từ tối hôm trước, và tất cả dân làng phải tập trung sớm ở đình từ 5 giờ sáng để đi rước sắc.
Trình tự đám rước ở đình Hàng Kênh như sau: Đi đầu là 5 cờ ngũ hành rồi đến đôi càm cạp đi giữ trật tự, tiếp theo là đoàn người mang bát biểu, chiêng, trống, long đình, chấp kích, phường bát âm rồi đến kiệu thần tượng Ngô Quyền. Sau liệu là các vị chức sắc rồi mới đến dân làng. Những người mang vác, khiêng các đồ vật đi rước thường mặc áo nâu, sau khi rước sắc về đình thì tiến hành ngoại tán.
Các buổi chiều trong khoảng thời gian từ 14 giờ, hội còn tổ chức đánh vật cùng nhiều trò chơi khác, người làng tham gia đấu vật trước rồi mới đến người ngoài. Đô vật đóng khố xanh, đỏ, thắt lưng buộc một dải băng vải bện tròn kiểu dây thừng to để giắt khố cho đẹp. Trước khi vật, đôi đô vật vái thần 4 lần, rồi vờn nhau tìm miếng vật. Lệ vật ở đây đô vật nào bị nhấc bổng lên hoặc bị vật nằm ngửa là thua. Giải treo vật gồm lụa, vải, tiền. Đánh vật 5 ngày liền, đô vật nào giữ giải trong ngày, ngồi có lọng che. Ngày cuối cùng, chung kết các đô vật của 5 ngày vật với nhau.
Bên cạnh đó Lễ hội đình Hàng Kênh còn tổ chức chơi cờ người. Một bên nam, một bên nữ đều chưa vợ, chưa chồng. “ Quân cờ” người như thế thường chọn con nhà khá giả trong làng để còn mang quần áo đẹp, người làm trọng tài có bàn cờ con bên trong theo dõi. Ngoài ra tại lễ hội còn có tổ tôm điếm (làm chòi ) tìm người tận bên Mỹ Cụ – Thủy Nguyên để xướng bài, tam cúc điếm ( kê bàn ngồi ), hát đúm, bắt vịt, cầu hùm…Buổi tối tại lễ hội còn có hát chèo, đêm hát ca trù.
Theo Haiphong.gov.vn