Lê Lai cứu chúa

Lê Lai là con của Lê Kiều, người thôn Dựng Tú, sách Đức Giang (Thanh Hoá). Cùng với anh trai là Lê Lạn, Lê Lai đã sát cánh cùng với Lê Lợi ngay trong những ngày trứng nước của phong trào Lam Sơn, và từng có mặt trong hội thề Lũng Nhai lịch sử. Gia đình Lê Lai có 5 người cùng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đó là Lê Lạn, Lê Lai và ba con củ Lê Lai là Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm. Ngoại trừ Lê Lâm mất năm 1430 (trong trận đánh nhau với Ai Lao thời vua Lê Thái Tổ, bốn người còn lại đều anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân Minh.

Sách Đại Việt thông sử (trang 156 và 157) đã chép về Lê Lai như sau:

“Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt, lo việc hầu cận cho vua Thái Tổ rất chu đáo, công lao rõ rệt. Mùa đông năm Bính Thân (1416), vua Thái Tổ cùng 18 vị tướng thân cận của nhà vua, liên danh hội thề, nguyện sống chết có nhau, Ông cũng dự trong số đó, ông được trao chức Tổng quản phủ Đô tổng quản, tước quan Nội hầu. Năm Mậu Tuất (1418) lúc vua mới dựng cờ khởi nghĩa, tướng ít, quân thiếu, bị tướng nhà Minh vây đánh ở Mường Một, Vua chạy thoát, về đóng ở Trịnh Cao, nơi hẻo lánh, không dân ở. Tướng Minh chia quân chặn những nơi hiểm yếu, tình thế rất cấp bách, nhà vua hỏi các tướng: “Ai dám đổi áo, thay ra đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta, bắt chước như Kỷ Tín (1)  đời Hán, để cho ta có thể dấu tiếng nghi binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau”. Các tướng đều không ai dám hưởng ứng. Riêng Lê Lai đứng dậy nói: “Tôi xin đi. Sau này lấy được nước thì nghĩ đến công lao của tôi, khiến cho con cháu muôn đời được nhờ ơn nước, đó là nguyện vọng của tôi”. Nhà vua rất thương cảm. Ông nói: “Bây giờ nguy khốn thế này, nếu ngồi giữ mảh đất nguy hiểm, vua tôi đều bị tiêu diệt, sợ sẽ vô ích, nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì”. Nhà vua vái trời mà khấn rằng: “Lê Lai có công đổi áo, sau này tôi và con cháu tôi, cùng con cháu các tướng tá công thần, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn báu thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn”. Ông bèn dẫn hai con voi và 500 quân kéo thẳng tới trại giặc khiêu chiến. Giặc dốc hết quân ra đánh, ông cưỡi ngựa tốt, xông thẳng vào giữa trận, hô to lên rằng: “Chúa Lam Sơn chính là ta đây”., rồi đánh chết được rất nhiều quân giặc. Khi đã kiệt sức, ông bị địch bắt, xử cực hình “…” Vua cảm động vì lòng trung nghĩa của ông, trước hết sai người ngầm đi tìm di hài ông, đem về mai táng ở Lam Sơn. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), hong ông là công thần hạng nhất, tặng là “Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần” hàm thiếu uý, thuỵ là Toàn Nghĩa. Tháng 12 năm sau, nhà vua sai Nguyễn Trãi, viết hai bản lời thề ước trước và lời thể nhớ công của lê Lai, để vào trong hòm vàng, lại gia phong cho ông hàm Thái uý. Năm Thái Hoà thứ nhất (1443), ban tặng là Bình Chương quân quốc trọng sự, ban cho túi kim ngư, ấn vàng (kim phù) tước huyện thượng hầu. Đầu niên hiệu Hồng Đức (1470), tặng là Diên Phúc hầu, đến năm thứ 15 (1484), truy tặng là Thái uý Phúc Quốc công, về sau gia phong là Trung Túc vương”.

Lời bàn:

Vẫn biết lúc xông pha trận mạc, thật khó có thể bảo trọng tấm thân, nhưng đi vào chỗ mà cái chết chỉ còn cách mình trong gang tấc, cổ kim nào có được mấy người! Khí phách và lòng trung nghĩa của Lê Lai, khỏi bàn cũng đã quá rõ. Song, có lẽ cũng chớ nên quên rằng, chỉ có những người như Lê Lợi mới quy tụ được những người như Lê Lai, và cũng chỉ có những người như Lê Lai mới dám quả cảm hy sinh thay cho Lê Lợi. Vua ấy, dũng tướng ấy, cuộc hội ngộ cảm động làm sao.

Ai mà chẳng chết, khác nhau chăng cũng chỉ là,  nếu được chọn, người ta nên chết như thế nào đó thôi. Lẫm liệt thay, Lê Lai!

Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo dục

(1)  Kỷ Tín mà Lê Lợi nhắc ở đây vốn là dũng tướng của Lưu Bang. Trong cuộc đối đầu với Hạng Võ, có lần Lưu Bang bị Hạng Võ bao vây và đánh quyết liệt ở thành Vinh Dương, tình thế rất nguy cấp. Để cứu Lưu Bang, Kỷ Tín đã mặc áo Lưu Bang và xông ra đánh nhau với Hạng Võ, tạo điều kiện cho Lưu Bang rút lui an toàn. Sau Lưu Bang toàn thắng, lên ngôi hoàng đế (Hán Cao Tổ), khắc ghi cong trạng cho Kỷ Tín.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.