Lúc nào được nghỉ?

Đức Khổng Tử nói:

– Phận làm tôi thờ vua, sớm tối kính cẩn, mà cho trọn được chức trách cũng là việc khó, nghỉ thế nào được.

– Vậy xin nghỉ để thờ song thân?

– Lòng con hiếu thờ cha mẹ thật là vô cùng, lại có thể lấy sự hiếu thảo của mình cảm hoá được lòng người cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

– Vậy xin nghỉ để vui chơi với vợ con?

– Đạo làm chồng phải làm gương cho vợ, lại để cho anh em và thiên hạ trông vào mà bắt chước cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

– Vậy xin nghỉ để chơi với bầu bạn?

– Nghĩa bầu bạn phải giúp đỡ nhau, hết lòng hết sức với nhau, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

– Vậy xin nghỉ để làm ruộng?

– Công việc nhà nông phải cày, cấy, gặt hái hai sương một nắng, chân lấm tay bùn, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

– Như thế thì Tử này không lúc nào được nghỉ ư?

– Có chứ. Lúc nào ngắm thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, trông thấy cái mồ đắp chắc chắn, ngó thấy người đi đưa cách biệt hẳn mình, ấy lúc bấy giờ mới là lúc được nghỉ đó.

Thầy tử Cống nói:

– Như thế cái chết chẳng là cái hay à! Người quân tử đến bây giờ mới được nghỉ; kẻ tiểu nhân đến bây giờ mới chịu thôi, cái chết thật là hay vậy!

Gia Ngữ

Lời bàn: Học tập một môn học, nghiên cứu một đạo lý, càng đi, càng thấy dài, càng lên, càng thấy cao. Lập chí không bền thấy khó mà thôi (nghỉ) thì bán đồ nhi phế ngay lập tức.

Thần hạ đối với quân trưởng, con cái đối với cha mẹ, vợ chồng, bầu bạn ăn ở với nhau đều có bổn phận phải sao cho đầy đủ không tận tâm tận lực (nghỉ) thì thiếu bổn phận và rối loạn ngay lập tức.

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.