Thừa Thiên Cao Hoàng hậu tên gì không rõ, chỉ biết bà là con gái của Thái bảo Quốc công Tống Phúc Khuông. Tống Phúc Khuông quê ở huyện Tống Sơn (Thanh Hóa), cho nên, sử vẫn chép bà là người ở Quý huyện.
Bà sinh năm Tân Tị (1761), mất năm Giáp Tuất (1814), thọ 53 tuổi. Năm Mậu Tuất (1778), bà 17 tuổi, theo cha là Tống Phúc Khuông và chúa tôi họ Nguyễn chạy vào Gia Định. Nguyễn Phúc Ánh (lúc bấy giờ 18 tuổi) đã cưới bà, phong bà làm Nguyên phi. Bà đã sinh hạ tất cả ba người con trai, nhưng cả ba đều mất sớm. (Xin xem thêm Hậu vận của Hoàng tử Cảnh).
Từ khi trở thành Nguyên phi của Nguyễn Phúc Ánh, bà đã bao phen gian nan bôn tẩu khắp đó đây. Năm Quý Mão (1783), vì bị Tây Sơn truy đuổi gắt gao, binh mã bị tiêu diệt gần hết, nên Nguyễn Phúc Ánh đã sang cầu cứu quân Xiêm La, đồng thời, cậy nhờ Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp xin thêm ngoại viện.
Trọng trách phụng dưỡng mẹ già và trông coi mọi việc trong gia thất suốt thời phiêu bạt, Nguyễn Phúc Ánh ủy thác hết cho bà. Đó là thời kì đen tối nhất, ngày đoàn tụ chẳng biết có hay không, bởi vậy mà khi chia tay, Nguyễn Phúc Ánh đã lấy một nén vàng tốt, chặt ra làm hai, trao cho bà một nửa, còn mình thì giữ một nửa, và nói :
– Con ta đi rồi và ta cũng sẽ đi đây. Phi hãy phụng dưỡng Quốc Mẫu (tức bà Hiếu Khang Hoàng thái hậu, con gái của Diễn Quốc công Nguyễn Phúc Trung, người quê ở Minh Linh, nay thuộc Quảng Trị, mẹ của Nguyễn Phúc Ánh – NKT). Ngày gặp lại cũng chẳng biết là vào lúc nào và ở đâu, bởi vậy, Phi hãy lấy nửa nén vàng tốt này làm của tin.
Nguyễn Phúc Ánh rước năm vạn quân Xiêm La về hòng đè bẹp Tây Sơn, nhưng rồi lại bị Tây Sơn đánh cho đại bại, phải bôn tẩu khắp đó đây. Bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (lúc bấy giờ còn là Nguyên phi) phải rước Quốc Mẫu chạy ra đảo Phú Quốc náu mình. Năm 1788, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại được Gia Định. Từ đây, bà luôn đi theo Nguyễn Phúc Ánh để lo giúp mọi việc.
Năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Phúc Ánh đề nghị bà làm mẹ nuôi cho con của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu là Nguyễn Phúc Đảm, tức Hoàng đế Minh Mạng sau này, dẫu bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu lúc này còn rất khỏe mạnh và sống mãi đến năm 1846 mới mất. Bà bằng lòng với điều kiện là chồng phải viết tờ giao ước hẳn hoi. Nguyễn Phúc Ánh sai Lê Văn Duyệt viết tờ giao ước, còn bà thì sai cung nữ là Nguyễn Thị Lê cất giữ. Từ đó, Nguyễn Phúc Đảm vào ở hẳn với bà.
Tháng ba năm Gia Long thứ hai ( 1803), bà được lập làm Vương hậu và đến tháng 7 năm Gia Long thứ năm (1806) thì được lập làm Hoàng hậu. Khi bà mất (năm 1814), các con do bà sinh hạ đều đã qua đời, chỉ còn người con nuôi là Nguyễn Phúc Đảm mà thôi.
Lời bàn:
Xét đạo làm vợ, bà là người tiết hạnh và thủy chung son sắt,. một lòng một dạ chăm lo cho cơ nghiệp của chồng, cho nên không thể vì việc trách cứ chồng bà là Nguyễn Phúc Ánh (tức Hoàng đế Gia Long) mà quên việc ghi nhận chút lòng trung trinh của bà được. Xét dạo làm dâu, bà là người ăn ở chí tình, lúc bôn tẩu đó dây cũng như khi yên hưởng thái bình đều một lòng cung kính mẹ chồng, cho nên, chẳng thể vì coi nhẹ triều Nguyễn mà quên mất đức lớn của bà kể từ khi xuất giá. Cổ nhân nói: lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng, hẳn là đại loại như thế chăng ?
Chặt đôi nén vàng tốt để giao cho bà một nửa làm tin, ấy là biểu hiện sự hoang mang của Nguyễn Phúc Ánh lúc phải chạy đi sống lưu vong, còn như bắt Nguyễn Phúc Ánh phải làm tờ giao ước khi nhờ bà nhận Nguyễn Phúc Đảm làm con nuôi là biểu hiện sự cẩn trọng của bà đối với bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, cũng là cẩn trọng đối với cả chính Nguyễn Phúc Ánh nữa.
Sự cẩn trọng của bà là hơi quá chăng ? Tiếc là không phải hơi quá mà là rốt cuộc vẫn chưa đủ. Về sau, Minh Mạng đã khiến cho con dâu và hai cháu nội của bà, người bị dìm chết, người bị mang họa vô luân, cả đến chắt của bà cũng không yên thân nổi. Thương thay !
( Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )