Quân nước Tề sang đánh nước Lỗ. Khi đến chỗ giáp giới, trông thấy người đàn bà một tay bồng một đứa bé, một tay dắt đứa nữa. Người đàn bà thấy quân kéo tới, vội vàng bỏ đứa đang bồng trên tay xuống mà bồng đứa bé đang dắt rồi chạy trốn vào trong núi. Đứa bé kia chạy theo khóc, người đàn bà cứ chạy không ngoảnh lại.
Một viên tướng nước Tề cho bắt đến hỏi:
– Đứa bé nàng bế chạy là con ai? Còn đứa trẻ nàng bỏ liều là con ai?
Người đàn bà thưa: “Đứa tôi bế là con anh cả tôi; đứa tôi bỏ lại là con tôi. Tôi thấy quân lính kéo đến, sức tôi không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại”.
Viên tướng nước Tề nói: “Con với mẹ kể tình thân yêu thì đau xót lắm. Nay bỏ con mình lại mà chạy lấy con anh là cớ làm sao?”.
Người đàn bà nói: “Con tôi là “tình riêng”, con anh tôi là “nghĩa công”. Con đẻ tuy đau xót thật nhưng đối với việc nghĩa thì tính làm sao. Cho nên tôi đành bỏ liều con tôi mà làm việc “nghĩa”. Tôi không thể nào chịu tiếng “vô nghĩa” mà vác mặt sống ở nước tôi được”.
Viên tướng nước Tề dừng quân lại, sai người tâu với vua Tề rằng:
– Nước Lỗ chưa thể đánh được. Quân ta mới đến chỗ cương giới, đã thấy con mụ đàn bà xó rừng còn biết làm điều “nghĩa” chẳng chịu đem “tình riêng” mà hại “nghĩa công”, huống chi là những bậc quan lại, sĩ phu ở trong nước. Xin kéo quân về”.
Vua Tề cho là phải.
Sau vua Lỗ biết chuyện này, thưởng người đàn bà một trăm tấm lụa và phong cho hai chữ “Nghĩa cô”.
Lưu Hướng liệt nữ truyện
Lời bàn:
Tình với nghĩa cùng là quý, không quyết hẳn được bên nào nặng hơn bên nào. Cho nên ta phải cân nhắc cho cẩn thận: tình nặng hơn nghĩa thì ta giữ tình; nghĩa nặng hơn tình thì ta trọng nghĩa.
Như người đàn bà nói trong truyện đây là so cái “tình riêng” đối với “nghĩa công”, thì không còn phải do dự gì nữa. Thế nào là tình riêng? Là cái lòng yêu riêng của một mình mình. Thế nào là nghĩa công? Là cái việc phải đối với nhà, với nước, với thiên hạ. Tình riêng cứ kể cũng là nặng, nhưng so với nghĩa công thì nghĩa công còn nặng gấp mấy mươi. Nghĩa công đã nặng thì đến cái thân là của yêu nhất của mình ở còn có thể hy sinh để mà giữ nghĩa, huống chi là những thứ ngoài thân. Người đàn bà đây hiểu thấu lẽ ấy nên mới đành đem nghĩa để đoạn tình, chẳng vì tình mà hại nghĩa để giữ lấy nòi giống ông cha nhà chồng. Ngờ đâu cái ảnh hưởng của việc nghĩa ấy còn làm quân ngoại xâm Tề phải kéo nhau về, vì chúng nghĩ: “Nước người có thể cướp được, lòng dân có nghĩa không thể cướp được, về mới cao, sống chung sao được”. Thế mới hay, làm dân một nước mà không biết trọng “nghĩa” là người dân tai hại to cho tổ quốc vậy.
(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)