Người Việt / Kinh | |
---|---|
Ngôn ngữ | |
Tiếng Việt | |
Tôn giáo | |
Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và Tín ngưỡng dân gian Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và các tôn giáo khác. | |
Sắc tộc có liên quan | |
|
Người Việt hay người Kinh, là một dân tộc hình thành tại khu vực địa lý mà ngày nay là miền Bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Đây là dân tộc chính, chiếm khoảng 86,2% dân số Việt Nam và được gọi chính thức là dân tộc Kinh để phân biệt với những dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Ngôn ngữ chính của người Việt là tiếng Việt, một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Việt của ngữ hệ Nam Á. Người Việt sinh sống trên khắp đất nước Việt Nam và một số nước khác. Cộng đồng người Việt hải ngoại đông nhất định cư ở Hoa Kỳ.
Nguồn gốc
Truyền thuyết
Theo truyền thuyết, những người Việt đầu tiên là con cháu của một thần rồng tên là Lạc Long Quân và một vị tiên tên là Âu Cơ. Hai người đã lấy nhau, sinh sống cùng nhau và đẻ ra một bọc 100 trứng, số trứng này nở ra 100 người con. Những người con sinh ra cùng một bọc gọi là “cùng bọc” (hay còn gọi là Đồng bào) và “đồng bào” là cách gọi của người Việt để nói rằng tất cả người Việt Nam đều có chung một nguồn gốc.
Nhân chủng học
Có hai luồng quan điểm về nguồn gốc của người Việt. Một số học giả tin rằng người Việt đầu tiên di chuyển từ quần đảo Indonesia thông qua bán đảo Mã Lai và Thái Lan cho đến khi họ định cư ở khu vực đồng bằng sông Hồng, bằng cách lần theo con đường của các công cụ đá từ cuối Thế Pleisen (600.000-12.000 trước Công nguyên), trên đảo Java, bán đảo Malaysia, Thái Lan và phía bắc Miến Điện. Những công cụ bằng đá được cho là các công cụ con người đầu tiên được sử dụng trong khu vực Đông Nam Á. Các nhà khảo cổ tin rằng vào thời điểm này Hymalaya, một dãy núi ở miền bắc Miến Điện và Trung Quốc, tạo ra một rào cản băng giá cô lập người dân Đông Nam Á. Một số khác cho rằng người Việt đầu tiên vốn là một bộ tộc gốc Mông Cổ ở Tây Tạng, di cư xuống phía nam từ thời đồ đá cũ. Nhóm dân tộc này định cư tại vùng Bắc Bộ, thượng nguồn sông Hồng ngày nay và tạo nên nền văn minh Đông Sơn. Nhóm bộ tộc này cũng có sự tương đồng rất lớn về nhân chủng, văn hóa với các tộc người ở phía Nam Trung Quốc – mà sử Trung Quốc còn gọi là cộng đồng Bách Việt.
Vào năm 257 TCN An Dương Vương thành lập vương quốc Âu Lạc, tại miền Bắc Việt Nam bây giờ. Vào năm 208 TCN vua nước Nam Việt là Triệu Đà tiến đánh và chiếm được Âu Lạc. Triệu Đà hợp nhất Âu Lạc vào Nam Việt.
Năm 2019, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Tế bào gốc – công nghệ gen Vinmec công bố kết quả nghiên cứu về bộ gen người Việt khẳng định sự khác biệt giữa quần thể người Hán và quần thể người Việt. Người Việt có nguồn gốc chính từ người Đông Nam Á cổ đại. Nghiên cứu của Vinmec cũng củng cố giả thuyết khoa học về việc con người từ châu Phi di cư tới các nước Đông Nam Á. Sau đó, con người di cư sâu vào lục địa theo hướng từ phía Nam lên phía Bắc.
Phân bố
Trên thế giới
Vào thế kỷ 16, một số người Việt di cư lên phía bắc vào Trung Quốc. Tuy đã bị ảnh hưởng Trung Hoa nhiều hơn, con cháu những người này vẫn còn nói tiếng Việt và được công nhận là một dân tộc thiểu số tại Trung Quốc.
Trong thời Pháp thuộc, một số người Việt làm công nhân đồn điền, khai mỏ tại Tân Đảo (nay là Nouvelle-Calédonie và Vanuatu)… Ngoài ra còn một số cộng đồng người Việt ở Réunion, Haiti… thành lập từ những chí sĩ yêu nước bị đày ải. Tại Xiêm, Trung Quốc, Lào, Campuchia cũng có khá nhiều người Việt sinh sống. Cũng trong thời kỳ này, một số người Việt yêu nước đã sang Xiêm, Trung Quốc, Liên Xô… thành lập các tổ chức cách mạng nhằm tránh sự bắt bớ của chính quyền thuộc địa tại Việt Nam.
Khi thực dân Pháp rời khỏi Việt Nam vào năm 1954, một số người Việt di cư sang Pháp, gần 900.000 người từ miền Bắc di cư vào miền nam.
Sau Chiến tranh Việt Nam, hơn 1 triệu người Việt di tản và vượt biên. Phần lớn những người này tái định cư tại Bắc Mỹ, Tây Âu và Úc. Tại Hoa Kỳ có một cộng đồng người Mỹ gốc Việt khá lớn.
Tại Việt Nam
Tuy gốc từ miền Bắc Việt Nam, người Việt đã Nam tiến và chiếm đất đai của vương quốc Chiêm Thành qua thời gian. Hiện nay họ là dân tộc đa số trong phần lớn các tỉnh tại Việt Nam.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Kinh ở Việt Nam có dân số 73.594.427 người, chiếm 85,7% dân số cả nước, cư trú tại tất cả 63 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố có số lượng người Kinh lớn nhất là:
Thành phố Hồ Chí Minh (6.699.124 người),
Hà Nội (6.370.244 người),
Thanh Hóa (2.801.321 người),
Nghệ An (2.489.952 người),
Đồng Nai (2.311.315 người),
An Giang (2.029.888 người).
Người Kinh là dân tộc đa số tại Việt Nam, tuy nhiên tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, người Kinh lại là dân tộc thiểu số:
Lào Cai (212.528 người, chiếm 34,6% dân số toàn tỉnh, tỉnh này không có dân tộc đa số),
Hòa Bình (207.569 người, chiếm 26,4% dân số toàn tỉnh, người Mường là dân tộc đa số ở Hòa Bình, chiếm 63,9%),
Sơn La (189.461 người, chiếm 17,6% dân số toàn tỉnh, người Thái là dân tộc đa số ở Sơn La),
Lạng Sơn (124.433 người, chiếm 17,0% dân số toàn tỉnh, tỉnh này không có dân tộc đa số),
Hà Giang (95.969 người, chiếm 13,2% dân số toàn tỉnh, tỉnh này không có dân tộc đa số),
Điện Biên (90.323 người, chiếm 18,4% dân số toàn tỉnh, tỉnh này không có dân tộc đa số),
Lai Châu (56.630 người, chiếm 15,3% dân số toàn tỉnh, tỉnh này không có dân tộc đa số),
Bắc Kạn (39.280 người, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh, người Tày là dân tộc đa số ở tỉnh này),
Cao Bằng (29.189 người, chỉ chiếm 5,76% dân số toàn tỉnh, tỉnh này không có dân tộc đa số).
Kinh tế
Có thể nói nền kinh tế mạnh nhất là nền nông nghiệp lúa nước. Nền văn minh lúa nước đã được khai sinh từ rất ngàn đời xưa và đạt được trình độ nhất định. Nền nông nghiệp phát triển cũng nhờ một phần vào sự đào đê, đào nương. Ngoài nghề nông nghiệp, người Kinh cũng làm một số các nghề khác ví dụ như chăn nuôi gia súc, làm đồ thủ công…
Văn hóa
Văn học
Văn học của người Việt đã từng tồn tại từ rất lâu và được truyền miệng qua truyển cổ, ca dao, tục ngữ… Nghệ thuật phong phú như ca hát, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, múa, diễn xướng… Hàng năm thì theo truyền thống các làng đều tổ chức hội làng với các sinh hoạt cộng đồng. Khoảng sau Công Nguyên, người Kinh bị Bắc thuộc nên đã dùng chữ Hán, nhưng về sau tự tạo thêm chữ viết riêng là chữ Nôm. Tuy nhiên chữ Hán vẫn là ngôn ngữ chính thức được dùng trong hành chính và giáo dục. Từ khoảng thế kỷ thứ 16 các giáo sĩ truyền giáo đến từ phương Tây thấy cần dùng chữ cái Latin để ký âm tiếng Việt. Từ đó xuất hiện chữ Quốc Ngữ được sử dụng rộng rãi ngày nay. Năm 1945, 95% dân số Việt Nam mù chữ nhưng đến năm 2010 tỷ lệ biết chữ ở người lớn là 97,3%. Tuy nhiên tỷ lệ đọc sách của người Việt khá thấp ở mức 0,8 cuốn sách/người/năm.
Người Việt có truyền thống ăn trầu cau, hút thuốc lá, nước vối, nước chè, hút thuốc lào, các loại cơm, cháo, xôi, mắm tôm, thịt chó, trứng vịt lộn. Việc hút thuốc lá, thuốc lào có lẽ sau thế kỷ 16, sau khi cây thuốc lá nhập vào Việt Nam từ châu Mỹ. Ngoài các giá trị vật chất, người Việt còn có những giá trị tâm linh như việc thờ cúng tổ tiên, giỗ và các lễ hội như Tết. Các tôn giáo phổ biến như Phật giáo, Công giáo Rôma, đạo Cao Đài…
Trang phục
Trang phục truyền thống trong đám cưới của người Việt ngày xưa
Nói chung người Việt Nam dù ở Bắc, Trung hay Nam đều có cách mặc gần giống nhau. Các loại quần áo như áo ngắn mặc với quần lá tọa ống rộng, quần có cạp hoặc dùng dây rút. Thời xưa thì đàn ông để tóc dài, búi tó, hoặc thắt khăn đầu rìu,… Vào các lễ hội đặc biệt thì mặc áo dài khăn đống, mùa áo đơn giản không có văn hoa. Chân thì đi guốc mộc.
Vào thời xưa thì phụ nữ người Kinh ai cũng mặc yếm. Váy thì váy dài với dây thắt lưng. Các loại nón thông thường như thúng, ba tầm… Trong những ngày hội thì người phụ nữ thường mặc áo dài. Các thiếu nữ thì hay làm búi tóc đuôi gà. Các đồ trang sức truyền thống như trâm, vòng cổ, hoa tai, nhẫn, vòng tay mang phong cách tùy theo từng vùng. Phụ nữ Nam Bộ thường mặc áo bà ba với các kiểu cổ như tròn, trái tim, bà lai với các khăn trùm đầu. Nón lá có thể nói là nón được sử dụng rộng rãi nhất cho phụ nữ thời xưa do nó có thể tự làm và che nắng rất tốt.
Xã hội
Theo truyền thống ngàn đời thì người Kinh sống theo làng. Nhiều làng họp lại thì thành một xã. Mỗi làng có thể có nhiều xóm. Nếu tính ra một thôn của miền Bắc thì bằng với một ấp của miền Nam. Trong các làng và xã đều có luật lệ riêng mà mọi người đều phải thi hành. Các làng miền Bắc thường được che chắn bằng cách trồng tre hoặc xây cổng kiên cố. Mỗi làng đều có nơi hội tụ và thờ lạy chung. Một số làng có đình thờ thành hoàng làng, là người được coi là thần bảo hộ của làng. Vào thời xưa thì phụ nữ bị cấm không được đến đình làng.
Tầm vóc
Hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 168,1 cm, nữ cao trung bình 156,2 cm.
Mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995.
Nhà cửa
Phong cách và hình dạng nhà cửa tùy theo từng vùng và miền. Chủ yếu là nhà được xây dựng bằng những vật liệu sẵn có như cỏ khô, rơm rạ, tre nứa. Nhà điển hình là nhà lá 3 gian hoặc 5 gian. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết khí hậu nên nhà cửa ở miền trung và miền nam có chút ít khác biệt nhưng nhìn chung vẫn là kết cấu nhà 5 gian. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân nên nhà ở đã có sự thay đổi cả về kết cấu và vật liệu xây dựng. Hầu như nhà nào cũng có phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn và nhà bếp (đôi khi phòng ăn và nhà bếp là một).
Hôn nhân gia đình
Tuổi kết hôn hợp pháp là nam đủ 20 tuổi và nữ đủ 18 tuổi. Chế độ một vợ một chồng. Gia đình của mẹ gọi là nhà ngoại, gia đình của bố gọi là nhà nội. Hôn nhân đồng tính hiện không bị cấm (Luật Hôn nhân và Gia đình đổi năm 2014) tuy nhiên vẫn “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8 của luật này).
Đánh giá
Những đánh giá về người Việt Nam hiện đại (thế kỷ 20-21) đã được một số học giả trong và ngoài nước đưa ra trong các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, các tiểu luận hay các công trình nghiên cứu xã hội học và dân tộc học. Các đánh giá này được nêu tại những thời điểm lịch sử khác nhau, trong đó có một phần đáng kể về vai trò và tính hai mặt, ưu và nhược điểm trong tư duy, tính cách, tâm lý và tập quán người Việt trong tiến trình phát triển của dân tộc. Các tổng kết dựa trên các nghiên cứu còn một số khác là nhận định cá nhân hay suy diễn logic của các học giả nổi tiếng. Tính hai mặt của người Việt Nam đã được đa số các học giả thừa nhận và khẳng định trong các công trình nghiên cứu về tâm lý, văn hóa, xã hội và lịch sử dân tộc. Những đặc điểm phổ biến trong tư duy, tính cách, tâm lý và tập quán của người Việt mà các tác giả đã chỉ ra cũng không bất biến mà thay đổi theo sự thay đổi của những điều kiện xã hội cùng với sự giao lưu kinh tế, văn hóa, tư tưởng, học thuật với thế giới.