Nguyễn Hữu Dật với hai lần xem thiên văn trước lúc xuất quân

Điều ít ai ngờ là Nguyễn Hữu Dật rất có tài xem thiên văn và chính biệt tài này đã khiến ông hai lần nổi danh trong thiên hạ. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 4) chép rằng:

“Mùa thu, tháng 9 (năm Đinh Dậu, 1657 – ND), Nguyễn Hữu Dật đánh phá được lũy Đồng Hôn (nay thuộc Hưng Nguyên, Nghệ An – ND). Lúc bấy giờ, Trịnh Căn sai tướng là Thắng Nham (không rõ họ) đóng quân ở lũy Đồng Hôn. Nơi ấy, đất ẩm thấp, mùa thu (thường có lụt lội), vì thế mà chúng sợ ta đánh úp, bèn bàn nhau dời đồn đến ở phía dưới Núi Đất. Thám tử của ta biết được, báo cho Hữu Dật biết. Hữu Dật nói với Hữu Tiến (tức Nguyễn Hữu Tiến, người đang giữ chức Tiết chế quân đội của Đàng Trong đi đánh Nghệ An – ND) rằng:

– Tôi đã suy tính kĩ. Ngày 25 này là ngày Quý Hợi, ngày sao Chẩn chiếu, tất sẽ có mưa to gió lớn. Đã thế, lại có vệt khí đen chạy băng qua khu vực sao Bắc Đẩu và mây trắng che kín cung Chấn, như vậy thì ở phía Tây Bắc nhất định sẽ có lụt lội. Ta nếu biết phân đó mà đánh đồn của Thắng Nham thì sẽ chắc thắng.

Đến sau, quả đúng ngày ấy (25 tháng 9 – ND) thì mưa to gió lớn, nước sông đầy tràn. Hữu Dật đưa quân đánh thẳng vào lũy Đồng Hôn nhờ nước lụt mà thắng lớn. Thắng Nham lên Núi Đất chạy trốn. Ta thu được rất nhiều khí giới. Hữu Tiến cả mừng, nói với Hữu Dật rằng:

 – Ông tính toán cứ như thần. Hữu Dật đáp:

 – Trên nhờ uy linh của Chúa thượng, dưới thì nhờ có sức mạnh của chư tướng, chứ Hữu Dật này thì tài cán gì ?”

. …”Phạm Phượng đến chỗ đóng quân của Nguyễn Hữu Tiến và nói : – Năm ngoái (năm 1657 – ND), tướng Trịnh là Thắng Nham giữ lũy Đồng Hôn, bị Đốc chiến (tức Nguyễn Hữu Dật – ND) đánh thua, Trịnh Căn sai tướng giữ chức Tham đốc là Vân Khả (không rõ họ) đến lãnh quân thay giữ. Vân Khả là kẻ tham lam bạo ngược, vậy, xin mau định kế để đánh. (Nguyễn) Hữu Tiến sai (Phạm) Phượng đến nói với Nguyễn Hữu Dật. Hữu Dật mừng mà nói rằng:

 – Ta vừa xem thiên văn, thấy mây đen che khuất sao Khôi. Đến ngày 11 tháng này (11 tháng 9 năm 1658 – ND) là ngày Mậu Thìn, ngày của lục long (ngày của sáu con rồng cùng làm việc nên mưa nhiều – ND) cho nên sẽ có mưa lũ, nếu ta nhân nước lũ mà đánh thì tất thắng. Nói rồi, ông hẹn với Hữu Tiến cùng hội quân. Đến ngày đó, quả có mưa to. Hữu Dật đem quân đến đánh lũy Đồng Hôn trước. Quân Trịnh sợ hãi tan vỡ, Vân Khả trốn về An Trường. Hữu Dật rút quân về. Trịnh Căn lại sai tướng là Miện (không rõ họ, bấy giờ thường gọi là Quận công), đến giữ lũy Đồng Hôn”.

Lời bàn:

Binh pháp cổ thường nhấn mạnh đến thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nắm được thiên văn cũng tức là đã nắm được một phần của thiên thời rồi vậy. Nguyễn Hữu Dật lúc mới 15 tuổi đã được làm quan, thoạt nghe cứ ngỡ con ông cháu cha hẳn nhiên là vậy, chẳng dè chúa Nguyễn chọn người trao chức quả không nhầm. Lúc này, Nguyễn Hữu Dật sắp bước vào tuổi ngũ tuần nhưng đã có đến hơn ba mươi năm làm quan, bận rộn đêm ngày không nghỉ, cái chết thì luôn cận kề, vậy mà ông vẫn không quên học hỏi.Tinh thông thiên văn như ông, thời ấy không dễ kiếm, sử phải trang trọng dành chỗ để ghi lời của Nguyễn Hữu Dật.

Kính thay, sở học của quan Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật! Kính thay, con người giàu bản lĩnh, không sống bằng hào quang của cha, cũng không hề tự mãn với tờ sắc phong tước vị cao sang mà Chúa đã ban tặng! Giá thời ông chẳng phải là thời loạn, sự nghiệp của ông nào phải chỉ dường này …!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.