Nhờ tài văn chương, Nguyễn Hữu Dật được thoát nạn

Năm 16 tuổi (1623), vì nói lời can trái ý chúa, Nguyễn Hữu Dật bị bãi chức ba năm. Từ tháng 6 năm 1626, Nguyễn Hữu Dật được phục chức và được Chúa ngày một tin dùng. Ông làm quan trải thờ ba đời chúa là Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635), Nguyễn Phúc La (1635 – 1648) và Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687). Các con ông là Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Cảnh cũng là những bậc danh tướng của thế kỉ XVII – XVIII. Dưới thời trị vì của chúa Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Hữu Dật có lúc được cử làm Kí lục châu Bố Chính (vùng này nay thuộc Quảng Bình) và cũng chính thời gian này, Nguyễn Hữu Dật bị vu oan và bị tống giam vào ngục. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 4) chép sự việc này như sau:

“Canh Dần, năm thứ hai (tức năm 1650 – ND), mùa  tháng 2, quan giữ chức Kí lục châu Bố Chính là Nguyễn Hữu Dật từng sai tướng sĩ giả làm áo mũ của quân sĩ Bắc Hà (tức của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài – ND), định mưu làm cho quân sĩ của chúa Trịnh bị rối loạn. (Nguyễn Hữu Dật) lại giả làm thư xin đầu hàng quân Trịnh, ước hẹn sẽ làm nội ứng cho quân Trịnh (khi quân Trịnh đánh vào). Bấy giờ, quan Tham tướng là Tôn Thất Tráng vì có hiềm khích riêng với Nguyễn Hữu Dật, bèn nhân đó gièm pha (với chúa Nguyễn Phúc Tần) rằng:- Hữu Dật đang toan tính mưu theo về với Bắc Hà.

Chúa nghe vậy, liền sai bắt trói Nguyễn Hữu Dật tống giam vào ngục. (Nguyễn) Hữu Dật bèn dựa theo cốt chuyện của tập Anh liệt chí đời Minh (Trung Quốc – ND) mà làm thành tập Hoa vân cáo thị để bày tỏ cái chí của mình. Làm xong, (ông) nhờ người cai ngục dâng lên (Chúa). Chúa xem (hiểu ý) mà tha cho, bổ ông làm Văn chức ở Chính Dinh, và vẫn ưu đãi như trước”.

Lời bàn:

Phàm là tướng, nhất là tướng của thời trận mạc triền miên, cốt cách của họ có thể thiếu mặt này mặt nọ, song, quyết không thể thiếu dũng và mưu. Vô dũng, không thể ra trận, vô mưu ắt sẽ bi đối phương lừa như lừa đứa trẻ con.

Vâng mệnh Chúa ra trấn giữ chốn biên thùy là nơi ác liệt nhất, rõ là Nguyễn Hữu Dật cũng thuộc hàng dũng tướng. Ấy là chưa kể trước đó ông đã bao phen xông pha trận mạc, cái dũng nào phải chỉ gồm chừng đó đâu.

Trá hàng để đánh lừa đối phương, khó có thể nói đó là diệu kế, nhưng, đó cũng là mưu. Xem suốt hành trạng một đời cầm quân của ông, hậu thế cũng có thể xếp ông vào hàng những tướng mưu lược. Tiếc thay, Nguyễn Hữu Dật lúc này đã phạm một lúc hai sai lầm khó tha thứ. Một là mưu lớn, có can hệ đến vận mệnh của xứ Đàng Trong mà ông bỏ qua việc bẩm xin mệnh Chúa. Hai là ông cũng chẳng bàn bạc gì với những người cộng sự có trách nhiệm. Hóa ra, sự hiềm khích đôi khi vẫn có thể làm cho người ta mất sáng suốt.

Tôn Thất Tráng chỉ vì hiềm khích riêng mà vu hãm, đẩy người trung chính vào chốn tù ngục, tội thật khó dung tha. Khiếp thay cái lưỡi lắt léo của lũ tiểu nhân, nó có thể đẩy vị dũng tướng đa mưu vào chỗ chết, nghĩa là có thể làm được việc mà binh hùng tướng mạnh của đối phương không dễ gì làm được. Trách Nguyễn Hữu Dật cớ sao không lo phòng bị từ trước ư? Thì cũng đúng vậy, nhưng ở đời, thử hỏi là còn có gì rẻ rúng hơn, khi mà ta phải luôn luôn cảnh giác với đồng liêu và bè bạn của mình?

May sao, Chúa sớm nhận ra, đâu là lời gièm pha, đâu là lời của bậc trung nghĩa. Sự hơn thua cao thấp của đấng chăn dân, thường thì cũng ở chỗ tỉnh táo như thế đó thôi.

Khéo khen Nguyễn Hữu Dật có tài văn chương. Bị tống giam mà vẫn ung dung tự tại, cảm khái mà viết nên lời thống thiết, khiến cho Chúa phải nhận ra lỗi lầm của mình, cổ kim được vậy, chẳng phải là nhiều đâu. Cũng khéo khen chúa Nguyễn Phúc Tần thông hiểu văn học, chẳng vậy, có khi Nguyễn Hữu Dật không được tha mà còn mang tiếng xấu là kẻ…đem đàn gảy tai trâu.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.