Nỗi lòng Tống Thị

Chẳng dè, Nguyễn Phúc Kỳ mất, ngôi chúa hiển nhiên là phải về tay Nguyễn Phúc Lan, Tống Thị và cả nhà thành ra thất vọng. Tống Phước Thông trong cơn buồn bã, đã đem cả nhà ra cửa Eo (tức là cửa Thuận An) rồi lên thuyền chạy ra Bắc, bỏ Tống Thị ở lại, khiến bà đã cô đơn lại càng thêm cô đơn.

Mùa xuân năm Kỉ Mão (1639), Tống Thị vào yết kiến chúa Nguyễn Phúc Lan (lúc này đã 38 tuổi, ở ngôi chúa được 4 năm). Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 3) chép rằng: “Tống Thị xinh đẹp, khéo ứng đối, từng nhân việc vào ra mắt mà đem tình trạng đau khổ của mình ra than vãn. (Tống Thị) lại còn đem một chuỗi bách hoa (chuỗi ngọc nhiều màu, trông như trăm thứ hoa – ND) dâng lên. Chúa thương tình, cho được ra vào cung phủ. Thị thần cũng có người can nhưng Chúa không nghe”.

Tham vọng làm bà chúa của Tống Thị lớn lắm, nếu như không phải là bà chúa với danh nghĩa chính phi, thì Tống Thị cũng phải làm bà chúa với danh nghĩa là chủ của kho báu mới được. Điều này khiến cho bá quan trong phủ Chúa rất căm phẫn, có người quyết chí phải giết cho bằng được Tống Thị mới thôi. Cũng sách trên chép tiếp:

“Trước kia, Tống Thị đã được vào hầu trong phủ Chúa. Nhờ khéo ăn khéo nói, Tống Thị thu được của cải nhiều như núi. Quan Chưởng cơ là Tôn Thất Trung tính giết đi, Tống Thị sợ, bèn nhân có cha là Tống Phước Thông đang được Trịnh Tráng tin dùng, Tống Thị bí mật gởi thư, lại đem một chuỗi bách hoa bằng trân châu, sai người tới biếu chúa Trịnh, xin Trịnh Tráng cất quân. Tống Thị hứa đem gia tài giúp vào việc quân. Tráng nhận thư, liền bàn việc xâm lấn miền Nam”. Quân Trịnh vào Nam (năm 1643) nhưng không thu được thắng lợi gì. Tống Thị cũng may mà không bị chúa Nguyễn Phúc Lan trị tội. Tháng 4 năm Giáp Ngọ (1654), Tống Thị lại phạm tội một lần nữa. Nguyên trước kia, khi Tống Thị làm chuyện chẳng hay với chúa Nguyễn Phúc Lan (cũng vốn là em chồng của mình), quan Chưởng cơ Tôn Thất Trung muốn giết đi. Tống Thị sợ quá, bèn tìm cách chiều chuộng Tôn Thất Trung, rốt cuộc, hai người tư thông với nhau. Nghe lời Tống Thị, Tôn Thất Trung tính làm chuyện phản nghịch. Cơ mưu bị bại lộ, Tôn Thất Trung bị tống giam còn Tống Thị thì bị giết, tài sản bị tịch thu.

Lời bàn:

Những gia đình có giáo dục đàng hoàng chưa hẳn đã có được những đứa con tử tế, nhưng những đứa con tử tế bao giờ cũng là sản phẩm của một quá trình giáo dục đàng hoàng. Như Tống Phước Thông, nếp nghĩ ấy, tâm địa ấy… đòi con ông đàng hoàng thì có khác gì đòi loài cọp con phải nhân từ ? Một lần Tống Thị đẩy đưa với em chồng, thôi thì cứ cho là khát khao chưa dứt, lầm lỡ dẫu nặng cũng có thể tạm bỏ qua. Thêm một lần quan hệ bất chính với Tôn Thất Trung, thôi thì cứ cho là vì sự sống còn của riêng thân mà dùng vũ khí tạo hóa ban cho để thoát nạn. Đến như hai lần làm chuyện phản nghịch, thì Tống Thị hỡi, ngàn năm không ai hiểu cho bà. Nỗi lòng Tống Thị, khó nói thay!

Một người đàn bà góa bụa, từng sinh hạ những ba người con trai, thế mà từ chúa Nguyễn Phúc Lan tới võ tướng cao cấp là Tôn Thất Trung phải xiêu lòng, cả đến chúa Trịnh xa tít ở Đàng Ngoài cũng phải tin lời mà xuất chinh vất vả. Khiếp thay!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.