Phạm Ngũ Lão và Minh Hiến Vương

Ngày Vua đóng ở Câu Chiêm, Minh Hiến Vương (Uất) ở trong doanh trại bàn tán, làm mê hoặc lòng quân lính, Vua giận, đuổi ra khỏi dinh lại còn lệnh cho các dinh không được thu nhận. Minh Hiến Vương bèn cùng vài chục gia đồng ra ngủ ở ngoài đồng nội. Phạm Ngũ Lão nghe tin ấy, vội mời vào trong quân và nói với mọi người rằng, Thánh thượng vừa quở trách ân chúa và đuổi ra ngoài, lỡ ra bị giặc bắt được thì chúng rêu rao là bắt được Hoàng tử chứ có biết đâu là (Hoàng tử) bị Vua quở trách (và đuổi đi). Ngũ Lão này thà chịu tội trái lệnh chứ không nỡ làm lợi cho giặc. Vua nghe biết cũng không nỡ trách ông.
Minh Hiến với Ngũ Lão, tình nghĩa thì rất sâu nhưng lễ ý thì sơ sài. Minh Hiến đến nhà Ngũ Lão, thường cùng ngồi với nhau một chiếu, khi về, (Ngũ Lão) lại đem biếu vàng bạc, (Minh Hiến) cần gì, Ngũ Lão cũng không hề tiếc nuối dè xẻn, cho nên, Minh Hiến thích chơi với ông.
Vua có lần trách Ngũ Lão rằng, Minh Hiến là Hoàng tử, sao mà ngươi lại khinh suất thế. Sau, Minh Hiến lại đến nhà, Ngũ Lão vẫn cùng ngồi như xưa, chỉ nói rằng, ân chúa chớ đến nhà tôi nữa, kẻo Thánh thượng lại trách tôi. Nhưng Minh Hiến vẫn lui tới thường xuyên mà Ngũ Lão cũng không đổi nết cũ. Ấy là vì một người thì cậy của mà giữ lễ tiết sơ sài, một người thì ham của mà quên mất cả phận trên dưới”.
Lời bàn:
Cứu Minh Hiến Vương ở Câu Chiêm, Phạm Ngũ Lão đã bộc lộ một tầm nhìn có lẽ còn sâu sắc hơn cả vua Trần. Nhưng, mối thâm giao giữa Phạm Ngũ Lão với Minh Hiến Vương tốt xấu ra sao, thiết nghĩ, lời bàn của sử cũ xác đáng lắm rồi. Hóa ra, giữ lễ với khách xa lạ vậy mà dễ, giữ lễ với người thân cận lại khó vô cùng. Đấy là thói thường, nhưng đấy cũng là điều đáng suy gẫm lắm thay!
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.