Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 29 a-b) có đoạn chép như sau:
“Ngày 18 (tháng 9 năm Ất Mão, 1435 – ND), triều đình nghị bàn riêng về ngạch thuế. (Triều đình định rằng), người có đất bãi trồng dâu và có ruộng cấy lúa, nếu là quân thì cấp cho 5 sào đất bãi dâu, nếu là dân thì cấp cho 4 sào để làm sản nghiệp. Tất cả được miễn thuế, trừ những người không vợ hoặc góa chồng. Phan Thiên Tước nói:
– Người không vợ và góa chồng là hạng người phải được vua thương đến. Nay bệ hạ ban ân huệ cho khắp quân dân mà những hạng đó không được hưởng, thế ra họ không phải là dân của vua ư?
Quan Đại tư đồ là Lê Sát nói:
– Quân và dân là những người dốc sức làm việc, chớ bọn người không vợ hoặc góa chồng thì nhà nước được cậy nhờ gì mà phải miễn thuế cho họ. Vả chăng, khi còn Tiên đế (tức còn Lê Lợi – ND), Tiên đế cũng chưa từng giảm nhẹ cho ai, vậy mà sao ông im lặng, chẳng nói gì, nay nhà nước đã định thành quy chế rõ ràng thì ông lại bàn cãi mãi là sao?
(Phan Thiên) Tước trả lời:
– Khi còn Tiên đế, Tước này chưa phải là ngôn quan, nay Tước giữ chức này thì phải nói. Mà tôi cũng chỉ nói điều hay cho nhà nước chứ có mưu lợi riêng gì cho tôi đâu.
Bấy giờ, triều đình mới cho những người không vợ hoặc giả là góa chồng được miễn thuế 3 sào”.
Lời bàn:
Làm những việc không thuộc chức trách của mình thì nếu không phạm thượng, ắt cũng giẫm phải chân đồng liêu mà những việc thuộc chức phận của mình tất không thể chu toàn tốt đẹp. Ở đời, những người nghiêm cẩn và mực thước, coi vậy mà chẳng có bao nhiêu. Lời Phan Thiên Tước ắt không phải chỉ là lời bàn với bá quan đương thời, mà còn là lời có ích chung cho tất cả những ai sắp bước vào hoạn lộ, cho nên sử mới ghi lại đó thôi.
Việc thuộc chức phận phải làm mà không làm, ấy là kẻ bê trễ. Đôi khi, sự chối từ chính là sự che đậy một cách khôn ngoan những mưu toan cơ hội. Không nói thì không mất lòng ai, sự thăng tiến dành cho những hạng người này xưa nay vẫn chiếm một tỉ lệ rất cao. Thà làm đúng chức phận để được yên lòng, không tự thẹn với lương tâm chứ chẳng vì sự thăng tiến vinh hoa phú quý cho riêng mình mà bỏ qua điều chẳng phải, ngôn quan Phan Thiên Tước thật đáng kính lắm thay!
Triều đình Lê Thái Tông đặt ra chức ngôn quan chuyên lo nói lời can gián, lại chọn được người như Phan thiên Tước để trao chức đặc biệt này, chính sự rành mạch, dân cư an vui cũng là phải lắm.
Mới hay, lo việc quốc gia đại sự chỉ mới là một phần của đại đức, tìm người xứng đáng để trao việc quốc gia đại sự mới là phần quan trọng nhất của đại đức
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục