Phép nước đầu đời Lê Thái Tổ

(2)Tuong vua Le Thai To

Tượng Vua Lê Thái Tổ

19/11/2024 Thông tin chi tiết về Phép nước đầu đời Lê Thái Tổ

Đầu năm 1428, sau khi đất nước sạch bóng quân xâm lăng, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đó là Lê Thái Tổ (1428-1433), vị hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lê.

Bấy giờ, trải hai mươi năm bị ngoại xâm và chiến tranh tàn phá, đất nước chìm ngập trong những khó khăn lớn lao: Chính trị đổ nát, kinh tế điêu tàn, xã hội loạn li… Lê Thái Tổ phải dồn hết tâm lực để giải quyết hàng loạt những công việc quốc gia đại sự. Mặc dù vậy, hoàng đế vẫn luôn canh cánh nỗi lo nghiêm giữ phép nước. Năm 1429, Lê Thái Tổ đã ban hành rất nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có hai sắc lệnh đặc biệt, được sách “Đại Việt sử kí toàn thư” (bản kỉ, quyển 10) ghi lại như sau:

“Ngày 26 (tháng 2 năm 1429-ND), ra lệnh cho các vị đại thần và các quan hành khiển rằng: Nếu thấy các điều lệnh của trẫm có điều gì phương hại đến việc quân, việc nước, hoặc giả là việc sai dịch không phải lẽ, hoặc giả là cho thu thuế khoá nặng nề, hay như có việc tà dâm bạo ngược… thì cho tâu xin để trẫm sửa lại” (tờ 65-b).

“Ngày 18 (tháng 10 năm 1429-ND), ra lệnh cho các đại thần, tổng quản và các quan từ hành khiển trở xuống rằng: Người xưa có câu “Vua không chọn tướng mà dùng thì có khác gì đem dâng nước mình cho giặc”. Trẫm không lúc nào không suy nghĩ đến điều đó. Bởi đêm ngày lo nghĩ nên mới đem việc quân, việc nước quan trọng mà trao cho các khanh. Thế mà các khanh cứ điềm nhiên như không, trên thì phụ lòng tin dùng của triều đình, dưới thì chẳng chút đoái thương đến quân dân, sao mà biếng nhác việc quan đến thế? Nay, ta ra chiếu này để răn bảo, nếu không biết tự mình sửa lỗi, lại còn tái phạm, thì phép nước còn chờ đó, khi ấy đừng nói là trẫm phụ bề tôi cũ có nhiều công lao” (tờ 71-a).

Lời bàn:

Muốn bách quan nghiêm giữ phép nước, trước hết, đáng chí tôn là hoàng đế phải mẫu mực. Song, phàm là người sống giữa cõi trời đất, ai dám chắc rằng mình tránh được hết mọi lỗi lầm. Hoàng đế mở rộng lòng mình, bình tâm để lắng nghe lời tâu việc sửa sang chính trị của bá quan văn võ, kính thay!

Muốn trăm họ cũng nghiêm giữ phép nước, thì quan lại, nhất là các bậc khai quốc công thần, trước phải tự làm gương. Lời của cổ nhân mà Lê Thái Tổ nhắc lại: “Vua không chọn tướng mà dùng thì có khác gì đem dâng nước mình cho giặc”, càng nghĩ càng thấy chí lí.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần
– NXB Giáo Dục)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.