Cũng có năm, việc khảo quan được tiến hành chẳng khác gì một kì thi, nghĩa là cũng có bài thi viết, có người được triều đình cử làm giám khảo để chấm hẳn hoi. Cuộc khảo quan năm Bính Tí (1696) dưới thời vua Lê Hy Tông (1675 – 1705) và chúa Trịnh Căn (1682 – 1709) cũng có thể coi là một ví dụ tiêu biểu.
Tiếc thay, cuộc khảo quan ngỡ như chặt chẽ này lại tỏ rõ phép nước lúc ấy bị khinh nhờn quá mức. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 36), khi chép việc của tháng 8 năm Bính Tí (1696) đã cho biết như sau :
“Giáng chức của Nguyễn Quan Nho từ Tham tụng xuống hàng Tả thị lang bộ Binh, liền đó lại cho làm chức Đô ngự sử.
(Nguyễn) Quan Nho là người giản dị. Bấy giờ, sắp có cuộc khảo quan ở kinh thành và các trấn, chúa Trịnh Căn triệu (Nguyễn) Quan Nho và Lê Hy vào phủ để nghĩ sẵn đề thi, đồng thời căn dặn rằng :
– Không được tiết lộ cho ai biết.
(Nguyễn) Quan Nho ngồi nói chuyện chơi với Đặng Đình Tướng, có vô ý làm lộ một phần đề thi. Quan Thái giám là Ngô Phan Lân, vốn từ lâu đã không bằng lòng với (Nguyễn) Quan Nho, liền đem việc này tố cáo. Trịnh Căn giận lắm, bèn biếm chức của (Nguyễn) Quan Nho, nhưng rồi ngay hôm sau, vì có quan Đô ngự sử là Nguyễn Quý Đức bị giáng chức, Trịnh Căn cho (Nguyễn) Quan Nho làm Đô ngự sử.”
Về chuyện Nguyễn Quý Đức bị giáng chức, cũng sách trên cho biết như sau :
“Con em của Đô ngự sử Nguyễn Quý Đức có người nhận của đút lót từ người bị kiện. (Nguyễn) Quý Đức biết chuyện, đem tang vật trình nạp và tâu bày mọi lẽ, nhưng triều đình xét thấy (Nguyễn) Quý Đức xử kiện không đúng lẽ, số tang vật đem trình nạp cũng không đầy đủ, nên giáng (Nguyễn) Quý Đức làm Tả thị lang bộ Binh”.
Chép đến đoạn sử này các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã hạ bút viết một lời phê rất nghiêm khắc như sau : “Việc làm của họ Trịnh đều không đáng bàn luận làm gì”.
Lời bàn:
Chư vi sử gia thời Nguyễn nói là không bàn luận, nhưng thực thì đã bàn luận đó thôi.
Nội một chuyện khảo quan không thôi cũng đủ thấy phép nước thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn đã bị coi thường đến cỡ nào rồi. Nặng nhẹ tuy có khác nhau, nhưng lỗi của Nguyễn Quan Nho và Nguyễn Quý Đức là điều không thể chối cãi, họ bị hặc tội rồi bị giáng chức là lẽ tất nhiên. Nhưng, lỗi mình mà mình chẳng thấy, lỗi mình mà mình chẳng nghiêm với mình, thì thử hỏi, được giữ chức Đô ngự sử là chức chuyên hặc tội người khác, chuyên lo xét xử người khác, quan lớn Nguyễn Quan Nho sẽ làm sao? Chúa lấy quyền uy nhất thời của Chúa mà xét xử, thăng giáng, … hậu sinh lấy khí khái của người học sử mà nghiêm phê rằng chính Chúa là người bẻ cong phép nước đó thôi.
Còn như hoạn quan Ngô Phan Lân, dẫu làm đến chức Thái giám, thì tâm địa nhỏ nhen vẫn cứ là tâm địa nhỏ nhen.
Chao ơi, vừa mở sử ngó vào triều vua Lê – chúa Trịnh một chút mà đã thấy ù tai hoa mắt. Chí tệ, thậm chí tệ !
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )