Từ đời Trần Duệ Tông (1372 – 1377), nhờ khôn khéo, lại cùng nhờ có chút tài, Hồ Quý Ly được thăng quan tiến chức rất nhanh. Khoảng cuối đời Trần Phế Đế (1377 – 1388), Hồ Quý Ly thực sự là một quyền thần, thao túng mọi hoạt động của triều chính. Trước, hai bà cô ruột của Hồ Quý Ly (cũng là hai chị em ruột) đều là Hoàng phi của vua Trần Minh Tông. Bà Minh Từ sinh ra vua Trần Hiến Tông và vua Trần Nghệ Tông, còn bà Đôn Từ thì sinh ra vua Trần Duệ Tông. Sau, con gái của Hồ Quý Ly lại là Hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Em gái họ của Hồ Qúy Ly lấy Trần Duệ Tông, sinh ra Trần Phế Đế. Đó là chưa nói bản thân Hồ Quý Ly cũng lấy Công chúa Huy Ninh là con gái của vua Trần Nghệ Tông ….
Dựa vào mối quan hệ hôn nhân phức tạp này. Hồ Quý Ly từng bước củng cố địa vị của mình, quý tộc và quan lại đương thời, ai cũng lấy đó làm mối lo hàng đầu, nhưng không sao trừ diệt được.
Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (ông nội của Trần Nguyên Hãn và cũng là ông ngoại của Nguyễn Trãi) thấy nguy cơ họ Trần mất ngôi là điều không thể tránh khỏi, bèn tính kế giữ thân. Năm Ất Sửu (1385), nghĩa là năm vừa tròn sáu chục tuổi, Trần Nguyên Đán xin về trí sĩ ở Côn Sơn (Hải Dương). Trước khi xa lánh chính trường, Trần Nguyên Đán đem các con là Mộng Dữ, Thúc Giao và Thúc Quỳnh gởi gắm cho Hồ Quý Ly. Đáp lại, Hồ Quý Ly cũng đem Công chúa Hoàng Trung gả cho Mộng Dữ và cho Mộng Dữ làm chức Đông cung phán thủ, các em của Mộng Dữ là Thúc Giao và Thúc Quỳnh đều được làm Tướng quân. Công chúa Hoàng Trung vốn là con của cố tôn thất Trần Nhân Vinh và Công chúa Huy Ninh. Khi Nhân Vinh mất, vua Trần Nghệ Tông đem Huy Ninh gả cho Hồ Quý Ly. Bởi vậy, với Công chúa Hoàng Trung, Hồ Quý Ly là bố dượng, còn đối với Trần Nguyên Đán, Hồ Quý Ly là chỗ thông gia. Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly ép vua Trần Thiếu Đế ( 1398 – 1400) nhường ngôi cho mình. Nhà Trần dứt và nhà Hồ được dựng lên kể từ đấy. Thiếu Đế vốn là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết, song, tôn thất họ Trần thì mắc họa kể cũng nhiều. Tư đồ Trần Nguyên Đán cùng gia quyến của ông tất nhiên là vẫn được yên ổn.
Lời bàn:
Hai mươi ba năm trước lúc về hưu, Trần Nguyên Đán viết bài Nhâm Dần niên lục nguyệt tác (thơ viết tháng sáu năm Nhâm Dân – 1362), trong đó có câu :
Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,
Bạch đầu không phụ ái dân tâm.
Nghĩa là :
Đọc ba vạn quyển sách vẫn chẳng có nơi dùng đến,
Đầu bạc đành phụ lòng thương dân.
Xem thế cũng đủ biết Trần Nguyên Đán thất vọng ngay từ hồi còn trẻ. Thói thường, kẻ thất vọng chán chường dễ mất chí tiến thủ. Trần Nguyên Đán thì khác, ông rút lui mà không gây xung đột, náu ở chốn điền viên mà vẫn giữ được nét thanh tao viết để lại cho đời bộ Bách thế thông khảo (sách khảo về thiên văn và lịch pháp) cùng nhiều tác phẩm có giá trị khác. Tài đức của ông đủ để các bác danh nho như Nguyên Phi Khanh, Nguyễn Hán Anh lấy làm hân hạnh khi được làm nghĩa tế, mô phạm đủ để dạy dỗ cháu nội và cháu ngoại thành bậc kì tài của thiên hạ. Như ông ai dám nói hưu là nghỉ!
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần