Vào triều, Nhật Duật là Tể tướng, chính sự nhờ ông mà thêm phần rành mạch; về thái ấp, Nhật Duật là bậc nghiêm cẩn mà nhân từ, phong lưu mà vẫn liêm khiết, phong hóa một vùng cũng nhờ ông mà thêm phần tốt đẹp. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 3b và tờ 4a) có đoạn chép về ông như sau:
“Ông là người hòa nhã, độ lượng, mừng vui hay giận dữ đều không lộ ra nét mặt, trong nhà không bao giờ chứa roi để đánh gia nô, nếu có đánh thì cũng kể rõ tội rồi sau mới đánh. Có lần ông sai gia đồng giữ thuyền, tên này bị gia đồng của Quốc phụ (chỉ Trần Quốc Chẩn – ND) đánh. Có người đến mách, ông hỏi:
– Có chết không?
Người đó trả lời:
– Chỉ bị thương thôi.
Ông nói:
– Không chết thì thôi, mách làm gì?
Lại có người kiện thị tì của ông với Quốc phụ, Quốc phụ sai gia đồng tới bắt. Người thị tì chạy vào trong phủ, người đi bắt đuổi đến nhà giữa, bắt trói ầm ĩ. Phu nhân khóc lóc nói với ông:
– Ân chúa là Tể tướng, Bình Chương (chỉ Trần Quốc Chẩn) cũng là Tể tướng. Vì ân chúa nhân từ, nhu nhược, nên người ta mới coi khinh đến nước này.
Nhật Duật vẫn ung dung không nói, xong, chậm rãi sai người ra bảo kẻ thị tì rằng:
– Mày cứ ra đi, ở đâu cũng đều có phép nước cả”.
Lời bàn:
Làm cho tướng giặc hung hãn phải khiếp sợ như ông từng làm mới là khó, chứ làm cho đám gia nô thân phận thấp hèn phải khiếp sợ thì có khó gì. Nhà Nhật Duật không chứa roi, ấy là bởi ông muốn chí nhân với thiên hạ. Không chấp nhất sụ vụn vặt, ấy cũng là phép xử thường của đấng đại trượng phu. Nhật Duật ung dung nên giữ được hòa khí, trong thì cốt nhục được tương thân, ngoài thì đồng liêu được hòa hiếu. Thế gọi là đại nghĩa. Ông tin ở phép nước, nước nhà há lại chẳng tin ông?
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần