Phí Trực xử án

Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 34b) có chép lại một trong những vụ án do Phí Trực xử như sau:
“Bấy giờ, trộm cướp bắt đầu nổi lên, có tên Văn Khánh là đầu sỏ bọn cướp. Có người bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo nó chính là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, tên ấy nhận ngay, ai cũng cho là thực, duy có mỗi Trực vẫn ngờ, án ấy để lâu không giải quyết. Thượng hoàng hỏi chuyện đó, Trực trả lời rằng, mạng người rất trọng, lòng tôi còn có chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết. Không bao lâu sau, Thượng hoàng lại hỏi, Trực lại trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận mà bảo rằng, nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa. Trực tâu, nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ. Một tháng sau. Văn Khánh thật quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng do đó khen Trực có tài”.
Lời bàn:
Thời Phí Trực, khi quý tộc chết, người ta có thể đem hàng loạt gia nô chôn sống theo chủ mà vẫn không bị cho là phạm tội. Xem thế cũng đủ biết mạng người lúc ấy chẳng đáng là gì. Giữa thời sinh linh bị rẻ rúng ấy, Phí Trực dám nói mạng người rất trọng thì quả là lạ lắm. Hẳn ông cũng biết rõ rằng tâu bày như vậy với Thượng hoàng, ông rất có thể bị mang họa vào thân. Mới hay, làm quan toà cũng cần có dũng khí, bởi thiếu dũng khí thì chẳng bao giờ bảo vệ được công lí. Một khi quan tòa chỉ biết trước là lo làm vừa lòng đấng chí tôn, sau là lo giữ thân mình, cuối cùng mới tính sự đúng sai, thì công lí đành phải ngả nón mà chào bái biệt. Tấm gương cẩn trọng của Phí Trực thật đáng suy ngẫm lắm thay!
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.