Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 65-b và tờ 66-a) cho biết như sau:
“Quan giữ chức Thiêm đô Ngự sử là Phùng Viết Tu, vì tội bẻ cong phép nước, ăn của đút lót, bị phát giác nên xử phải thắt cổ mà chết. Quan giữ chức Thừa chính sứ của xứ Sơn Tây là Quách Đồng Đức cũng vì tội ăn hối lộ mà bị bãi chức. Vụ án này có liên quan đến viên quan Đồng tri phủ là Trương Văn Lĩnh. Khi còn nhậm chức ở phủ Quốc Oai, (Trương Văn Lĩnh) có nhận của đút lót nên bị xử tử. Văn Lĩnh tuy đã ngoài bảy mươi tuổi mà vẫn bị đem ra hành hình, người đương thời ai thấy cũng thương”.
Lời bàn:
Với thiên hạ, ba người không phải là nhiều, nhưng với lực lượng ăn hối lộ, nhất là khi toàn bộ lực lượng này chỉ gồm toàn quan lớn, thì trăm lạy các quan, ba người cũng đủ khủng khiếp lắm rồi.
Ba người phạm cùng một tội danh, nhưng hai người bị xử tử, một người bị bãi chức, nặng nhẹ có khác nhau như vậy, âu cũng bởi triều đình muốn tỏ quyền uy hơn là tỏ sự công minh, cho ai sống, buộc ai chết, tất cả đều tùy hứng.
Nhà nọ ở ven rừng, có phát được một ít nương rẫy, lòng lấy làm thích chí lắm. Có đứa trẻ nghịch ngợm bẻ mất mấy cành cây mới trồng, chủ rẫy bắt được, đánh cho mấy roi tứa máu. Hôm sau, có con voi từ trong rừng ra, phá nát hết cả rẫy, chủ rẫy có súng trong tay mà vẫn bỏ chạy thục mạng. Hàng xóm cười thì ông ta lại bảo: “Tránh voi có xấu mặt nào”. Phùng Viết Tu, Quách Đồng Đức và Trương Văn Lĩnh, đối với dân đen thấp cổ bé miệng là quan lớn, nhưng đối với triều đình thì cũng kể như đứa trẻ trong câu chuyện nói trên mà thôi.
Xã tắc đã bị vua chúa phá nát như con voi phá nát nương rẫy, vậy mà trăm quan vẫn cứ thay nhau tung hô vạn tuế, không chạy thục mạng mà cũng như chạy thục mạng, chẳng khác gì ông chủ rẫy, nào có ai đủ can đảm để nói lời phản bác đâu. Hóa ra, chẳng có gì khủng khiếp hơn, khi mà chân lí chính là sở thích của kẻ mạnh. Phùng Viết Tu và Trương Văn Lĩnh bị xử tử là phải lắm. Đừng tưởng hậu thế ghét hôn quân ám chúa mà rộng tình với kẻ ăn hối lộ của dân. Sử viết người đương thời ai thấy cũng thương, song, không phải là thương xót mà là thương hại. Vâng, thương hại thay, quan lớn người họ Trương! Ngài đã thọ đến tuổi cổ lai hi, vậy mà vẫn chưa biết sống nghĩa là gì. Bình sinh, ngài là người mà sao chẳng giống người, bị hành hình rồi, ngài về âm phủ, ắt làm ma mà cũng chẳng giống ma!
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)