Đầu xuân năm Ất Tị (1425), sau chiến thắng Bồ Ải, Lam Sơn lần lượt giải phóng hết các huyện của Nghệ An. Khi tiến đến đất Thanh Chương ngày nay, Lam Sơn được nhân dân vùng này nô nức đem rượu thịt ra đón mừng. Họ nói:
– Không ngờ ngày nay chúng ta lại được trông thấy uy nghi nước nhà!
Lê Lợi rất lấy làm cảm kích, nhưng cũng chính lúc đó, Lê Lợi đã lập tức ban những quy định rất nghiêm ngặt. Sách Đại Việt thông sử (trang 46) chép:
“Vua hạ lệnh rằng:
“Nhân dân ta lâu nay đã khốn khổ vì chính trị bạo ngược của quân Minh! Vậy, quân sĩ đến châu huyện nào cũng không được xâm phạm của dân một mảy may. Nếu không phải là trâu, bò, thóc, gạo của nguỵ quan, thì dù có đói lắm cũng không được lấy”.
Lúc ấy, quân sĩ có người ba ngày chưa được một bữa ăn mà không ai dám phạm lệnh trên! Về phần nhân dân, thì ai cũng đem trâu bò thóc gạo của người Minh đã tích trữ ra để tiếp tế cho quân ta”.
Suốt cuộc trường chinh, quân pháp của Lam Sơn bao giờ cũng được giữ rất nghiêm. Sách Đại Việt thông sử (trang 56) còn chép việc Lam Sơn xử tử Lê Lai (trong phong trào Lam Sơn có đến mấy nhân vật Lê Lai khác nhau – NKT), Lý Vân và Bùi Vĩnh vào năm 1427 (năm cuối của phong trào Lam Sơn) như sau:
“Viên Tư mã là Lê Lai cậy có chiến công, thường thốt ra những lời khinh nhờn. Vua sai xử tử và tịch thu gia sản. Viên thiên hộ là Lý Vân và kẻ tòng phạm là Bùi Vĩnh vì chở trộm muối vào thành Chí Linh, vua cũng sai giết cả, và đều tịch thu gia sản.
Ra lệnh kiểm điểm khí giới của bính sĩ, kẻ nào thiếu, sẽ trị theo quân luật”.
Lời bàn:
Thói thường, vui quá dễ say, say sưa quá dễ mất hết cả tỉnh táo, và thế là mắc sai lầm trong chỗ không ngờ đó thôi. Lam Sơn chiến thắng mấy trận lớn liền, vậy mà vẫn không bị say bởi hơi men của chiến thắng, lại còn tỉnh táo lo nghĩ đến nỗi khổ chất chứa nhiều năm của dân, đội quân ấy mà được lòng dân cũng là phải lắm.
Thà chết đói chứ không tơ hào của dân, cái đức của đội quân nhân nghĩa ấy thật đã toả sáng đến muôn đời vậy. Không có cái đức sáng ấy, dù võ nghệ họ có cao cường bao nhiêu, dù vũ khí của họ có lợi hại đến bao nhiêu, thì tất cả họ cũng chỉ là đội quân ô hợp, bại vong là lẽ tất nhiên.
Tiếc thay, người lính vô danh thì nghiêm giữ quân pháp, còn làm đến chức Tư mã như Lê Lai, đến Thiên hộ như Lý Vân và Bùi Vĩnh thì ngông nghênh và thủ lợi. Họ đã tự giết chết cái đức của họ, lưỡi gươm của phép nước chỉ giết nốt cái xác phàm xấu xa của họ mà thôi.
Mới hay, nếu tạo hoá chẳng chút công bằng khi phân phát trí tuệ và vinh hoa cho thiên hạ, thì lại rất công bằng khi phân phát đức độ cho mọi lớp người. Đừng tưởng lính là kém đức hơn quan.
(theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo dục)