Một trong những ngôi chùa cổ kính nhất đất Thừa Thiên- Huế (và cũng là của nước ta) là chùa Thiên Mụ. Hoàng đế Thiệu Trị (1841-1847) xếp chùa Thiên Mụ đứng thứ 14 trong số 20 cảnh đẹp kinh thành Huế thuở xưa, đồng thời viết bài thất ngôn bát cú, đề là Thiên Mụ chung thanh (Tiếng chuông chùa Thiên Mụ) với những xúc cảm vừa chân thành, vừa mãnh liệt. Và, ca dao ta cũng có câu:
Bao giờ cạn nước Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới sai tấc lòng.
Nhưng vì sao lại gọi là chùa Thiên Mụ và chùa Thiên Mụ được xây từ lúc nào? Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 1) cho biết:
“Bấy giờ, Chúa (chỉ Nguyễn Hoàng) đi dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng của xã Hà Khê thuộc huyện Hương Trà (nay là ngoại ô thành phố Huế), giữa khu đất bằng phẳng nổi lên một gò cao, trông tựa như hình đầu rồng đang ngoái nhìn lại, phía trước thì có sông lớn (chỉ sông Hương), phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp đẽ. (Chúa) nhân đó mới hỏi chuyện người địa phương, ai cũng nói gò đất đấy rất thiêng. Tục truyền: Xưa, đang đêm bỗng có người nhìn thấy một bà già mặc áo đỏ, quần xanh, ngồi trên đỉnh gò và nói:
– Sẽ có vị chân chúa đến đây xây chùa để tụ khí thiêng, giữ long mạch.
Nói rồi bà già ấy biến mất. Bấy giờ, nhân đấy mới gọi gò đất kia là gò Thiên Mụ. Chúa cũng cho là gò đất đấy có linh khí, bèn cho cất chùa, gọi là chùa Thiên Mụ”.
Lời bàn:
Trong sách nói trên, sự kiện này được chép vào tháng 6 năm Tân Sửu (1601), nghĩa là chỉ mới được mấy tháng ngay sau khi Nguyễn Hoàng quyết định ở hẳn Thuận Hóa, không về chầu vua Lê- chúa Trịnh nữa.
Giữa vùng đất mới, mối bận tâm hàng đầu của Nguyễn Hoàng là lo cố kết nhân tâm, trước đã được các quan một dạ, giờ phải làm sao để trăm họ đồng lòng. Có dân là có tất cả. Thời bấy giờ, dựng chùa xây tháp chính là cách quy tụ lòng người tế nhị và hiệu quả hơn cả. Tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ, đôi khi còn có tác dụng đẹp, vươn ra ngoài chủ đích của các nhà tu hành cao minh.
Muôn đời còn đó, chùa Thiên Mụ. Muôn đời còn đó, những danh xưng rất giản dị mà rất gần gũi như Chúa Tiên, Chúa Phật, Chúa Hiền,… Có thể là không hoàn toàn như vậy, nhưng quả là lắm khi, để mau chóng đến được với lòng dân, đường thẳng chưa hẳn đã là đường ngắn nhất.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần