Sinh thời, Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Quân là người ngổ ngáo, xấc xược và rất lười biếng học hành. Biết rõ con mình thuộc hàng khó dạy, Vua Gia Long bèn sai vị quan Giáo đạo nổi tiếng nghiêm khắc là Ngô Đình Giới đến để lo việc giảng kinh sách.
Ngô Đình Giới đã vâng mệnh Vua, nhưng cũng chính vì thế mà ông bị Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Quân phỉ báng. Nay, xin theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 2) lược thuật như sau:
Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Quân lúc nhỏ ham chơi, tính xấc xược và kiêu ngạo. Quan Giáo đạo là Ngô Đình Giới dạy bảo thường có phần nghiêm ngặt, bởi vậy, ông ghét lắm. Một hôm, ông sai thằng nhỏ đầy tớ trong nhà, bắt một con hà mô trói ở giữa sân, rồi vừa lấy roi đánh vừa mắng rằng:
– Mày chớ có khinh ta.
Con hà mô tức con giải, động vật thuộc lớp ếch nhái. Chữ Giới (tên của Giáo đạo Ngô Đình Giới) trong Hán tự có hai âm là “giới” và “giái”, mà tiếng Huế, chữ “giới” với chữ “giái” phát âm gần tương tự như nhau. Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Quân muốn mượn chuyện đánh mắng con giải để tỏ ý phỉ báng thầy là Ngô Đình Giới.
Tháng 12 năm 1819, Vua Gia Long mất, con là Nguyễn Phúc Đảm lên nối ngôi, đó là vua Minh Mạng (1820 – 1840). Nhà Vua thấy em mình ngổ ngáo quá, liền sai các quan là Trần Đại Nghĩa và Nguyễn Đăng Sĩ tới để lo việc dạy dỗ. Minh Mạng ban cho Trần Đại Nghĩa một cái roi và dụ rằng:
– Em nhỏ của trẫm, sinh trưởng trong chốn thâm cung, không dạy không thể nên người được. Ngươi nên hôm sớm cẩn trọng dạy bảo, hễ thấy có lỗi thì cho phép đánh, chớ nên để thói kiêu căng và lười biếng lâu ngày thành nết quen.
Tới mùa Hạ năm Minh Mạng thứ mười (tức năm Kỉ Sửu, 1829), Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Quân chẳng may bị bệnh đậu mà mất, hưởng thọ 20 tuổi.
Lời bàn:
Chỉ cần chín tháng mười ngày là đã có thể tạo ra được một con người, nhưng kiên nhẫn uốn nắn cả chục năm vẫn chưa dễ đã tạo ra được một nhân cách tốt đẹp, cho nên, phàm đã là người thì phải học, học để có kiến thức, học để biết đạo lí ở đời, học để có thể ứng xử với đời sao cho hợp lẽ. Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Quân được Vua cử quan tới giảng dạy là chí phải, chỉ tiếc là ông không thấy được ân huệ đặc biệt này.
Có bao nhiêu học trò ngổ ngáo, cả gan dám phỉ báng thầy, là cứ y như rằng có bấy nhiêu kẻ hư đốn, trẻ thì làm nhục cho gia đạo, già thì để tiếng xấu cho đời sau. Con nhà thường dân mà hư đốn thì bất quá cũng chỉ là kẻ phá xóm phá làng, còn như con vua mà hư đốn, xã tắc sớm muộn thế nào cũng sẽ lao đao. Cho nên, nếu không bằng lòng với việc thầy đánh trò, hậu thế cũng sẵn sàng bỏ qua việc Vua Minh Mạng ban cho Trấn Đại Nghĩa một cái roi và cho phép đánh em mình khi em mình có lỗi. Xưa mà! Có phải ngẫu nhiên dân gian ta có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” đâu?
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)