Hằng năm, vua Trần Minh Tông đều về bái yết lăng tẩm, nhưng lần nào Đặng Tảo và Lê Chung cũng lánh mặt, chẳng hề kể công để xin riêng điều gì. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 40 a) chép rằng:
“Vua thương Tảo nghèo, ban cho hai mươi mẫu ruộng, sai quan là Trần Thế Hưng mang giấy đến cho. Ruộng này, do trước đã ban cho Thứ phi của Vua là bà Thiên Xuân nên bà Thiên Xuân cứ giữ lấy giấy cũ mà cày cấy, vậy mà Tảo cũng không tranh chấp. Thế Hưng hay được, liền tâu thực với Vua. Vua lập tức thu giấy của Thiên Xuân, đem ruộng ban cho Tảo, vậy mà Tảo cũng chẳng lấy làm mừng. Lê Chung thì dời hết cả mồ mả tổ tiên, bán hết gia tài điền sản, đem gia quyến vợ con đến Yên Sinh, chôn cất và làm nhà ở đấy. Cả hai người đều ở Yên Sinh cho đến lúc mất”.
Lời bàn:
Người xưa hay ghép lợi với danh để rồi luẩn quẩn suốt đời trọng vọng danh lợi. Ông nghè Đặng Tảo và gia nhi Lê Chung thì khác hẳn. Hai người tuy phận có khác nhau mà tâm thành thì chỉ là một. Dẫu đã có Trần Thế Hưng nhắc nhở, vua Trần Minh Tông cũng chẳng thoát tiếng vô tâm. Đặng Tảo mất ruộng không hề buồn, được ruộng không hề vui, bởi hai chục mẫu ruộng đâu có thể sánh được với tấm lòng bao la của ông.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần