Tên tù nước Sở

Chung Nghi là người nước Sở(1) bị nước Trịnh bắt nộp sang nước Tấn(2). Nước Tấn đem bỏ tù.

Một hôm vua Cảnh Công đòi ra, cho cởi trói, gọi đến tận nơi, rồi hỏi:

–          Ông cha nhà ngươi xưa nay làm nghề gì ?

–          Chung Nghi thưa: “Ông cha tôi xưa nay làm nhạc quan(3)”.

–          Thế ngươi có biết nhạc không ?

–          Cha tôi xưa làm chức ấy, tôi nay vẫn giữ nghiệp nhà, đâu dám xao nhãng.

Cảnh Công đưa cho đàn cầm, bảo gảy một khúc. Chung Nghi gảy thuần tiếng Nam tức là tiếng nước Sở. Nghe xong, Cảnh Công hỏi:

–          Vua Sở là người thế nào ?

Chung Nghi thưa:  “Tôi trí khôn hèn kém không đủ biết được thịnh đức(4) của quân vương nước tôi”.

Cảnh Công hỏi đi hỏi lại hai ba lần.

Sau Chung Nghi phải thưa:

–          Quân vương tôi khi còn là Thái tử(5), nghe lời quan Sư(6) quan bảo dạy dỗ, buổi sáng đến chơi với Anh Tề, buổi chiều chơi với Tử phản. Tôi biết có thế, còn việc khác tôi không được rõ.

Cảnh Công đem chuyện ấy nói cho Phạm Văn Tử nghe. Văn Tử thưa:

–          Tên tù nước Sở như thế thật là một bậc quân tử. Chức nghiệp vẫn giữ nước nhà, là người không quên gốc, âm nhạc vẫn giữ tiếng Nam, là người không quên nước; khen vua Sở mà khen tự nhiên là vô tư, nói với nhà vua đây, mà gọi hẳn hai tên quan khanh là tôn quân, không quên gốc là “nhân”, không quên nước là “tín”, vô tư là “trung”, tôn quân là “mẫn”. Nhân, thì xử được việc; tín thì giữ được việc; trung thì nên được việc; mẫn thì xong được việc. Có bốn đức ấy, việc to đến đâu làm cũng phải xuôi, sao nhà vua không giao trả tên tù cho nước Sở, để hắn về yêu kiết(7) việc hoà hiếu của nước Tấn, nước Sở với nhau ?

Cảnh Công nghe theo lời Văn Tử, hậu đãi Chung Nghi, đưa về Sở để cầu việc hoà hiếu.

Tả Truyện

Lời bàn:

Tên tù này không phải vì phạm tội thường mà bị tù, nhưng vì việc nước mà bị nước khác bắt tù. Khi đã bị bắt, người ta tra hỏi, không rối trí, cứ ung dung đối đáp rất thông hoạt, và có ý vị khiến cho vua tôi nước ngoài nghe thấy phải khen, phải phục, như thế thì chẳng là vì một cái trí tuệ khi khái của mình, mà mình được thoát nạn, nước mình cũng được nhân đấy mà thêm tôn lên! Ôi! Một nước được một tên tù giỏi mà kiến trọng, huống chi là có bao nhiêu hiền tài thì nước được mong cậy biết là bao. “Quốc hữu phân tắc thực” nghĩa là nước có người giỏi, thì nước mới đầy đủ vững chắc, câu trong sách dạy quả là đúng lắm.

(Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ)

(1) Sở: một nước lớn thời Xuân Thu ở vùng Hồ Bắc, Hồ Nam bây giờ

(2) Tấn: cũng là một nước lớn thời Xuân Thu ở tỉnh Sơn Tây và một phần Trực Lệ bây giờ

(3) Nhạc quan: chức quan giữ việc âm nhạc

(4) Thịnh đức: đức tốt, đức hay

(5) Thái tử: con cả vua

(6) Sư bảo: chức quan dạy thái tử học

(7) Yêu kiết: cầu thân muốn liên hợp với nhau.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang web này sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm duyệt web tốt hơn. Bằng cách duyệt trang web này, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookie.