Thái Tổ miếu | |
---|---|
Thái Tổ miếu | |
Tên khác | Thái Tổ miếu, Thái miếu |
Vị trí | Hoàng thành Huế |
Xây dựng | 1804 |
Đời vua | Gia Long |
Tình trạng | Đang phục hồi |
Chức năng | Miếu thờ các vị chúa Nguyễn |
Thái Tổ miếu (太祖廟) hay Thái miếu là miếu thờ các vị chúa Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Miếu thờ từ chúa Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Thuần. Miếu được xây dựng từ năm Gia Long thứ ba (1804) ở góc đông nam trong Hoàng thành Huế, đối xứng với Thế Tổ miếu ở hướng tây nam.
Kiến trúc
Tổng thể di tích Thái Miếu là một tổ hợp kiến trúc khá lớn, với trên 10 hạng mục công trình nằm trong khuôn viên có tổng diện tích 14.904m vuông, được bố trí đúng theo nguyên tắc chung của kiến trúc triều Nguyễn.
Trong đó, nhà chính Thái Miếu là ngôi nhà bằng gỗ lớn nhất trong tất cả các cung điện được xây dựng dưới triều Nguyễn, một công trình kiến trúc gỗ gần tương tự như Thế miếu. Thái miếu theo lối nhà kép trùng thiềm điệp ốc, chính đường 13 gian 2 chái kép, tiền đường 15 gian 2 chái đơn. Phía đông điện chính là điện Long Đức, phía nam có điện Chiêu Kính. Đối diện với điện Chiêu Kính ở phía tây là điện Mục Tư, phía bắc điện là Triệu Tổ miếu.
Trước sân Thái miếu có gác Tuy Thành (tên cũ là gác Mục Thanh), 3 tầng, hình thức tương tự như gác Hiển Lâm ở Thế miếu. Hai bên gác Tuy Thành có tường ngắn, trên có lầu chuông, lầu trống, dưới trổ cửa vòm. Phía nam của gác Tuy Thành, 2 bên có nhà Tả vu, Hữu vu.
Toàn bộ khu vực Thái miếu có tường gạch bao bọc, trổ 5 cửa ra các phía. Các án thờ của chúa Nguyễn đều đặt trong tòa điện chính, bài vị phối thờ các công thần đặt ở Tả vu và Hữu vu. Lễ tế tổ chức 1 năm 5 lần vào các tháng mạnh xuân, mạnh hạ, mạnh thu, mạnh đông và quý đông.
Phục dựng
Trong kháng chiến chống Pháp đầu năm 1947, khu vực Thái miếu bị Việt Minh thiêu hủy hoàn toàn trong đợt tiêu thổ kháng chiến. Năm 1971-1972, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc đã quyên góp và dựng lại một tòa nhà 5 gian trên nền cũ ngôi điện chính để làm nơi thờ tự các chúa Nguyễn.
Hiện tại, công trình Thái miếu gần như đổ nát. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã quyết định sẽ tu bổ, phục hồi các hạng mục: Thái Miếu, Thái Miếu môn, hệ thống sân, đường đi, cây xanh, thảm cỏ và hạ tầng kỹ thuật. Dự án dự kiến được thực hiện trong 4 năm với tổng kinh phí trên 265 tỷ đồng
Thờ tự
- Tiên vương Nguyễn Hoàng (1525 – 1613)
- Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635)
- Thượng vương Nguyễn Phúc Lan (1601 – 1648)
- Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1620 – 1687)
- Nghĩa vương Nguyễn Phúc Thái (1650 – 1691)
- Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725)
- Ninh vương Nguyễn Phúc Chú (1697 – 1738)
- Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát (1714 – 1765)
- Định vương Nguyễn Phúc Thuần (1754 – 1777)
Phối thờ
Tả vu
- Tông Nhân phủ Tông nhân lệnh Nghĩa Hưng quận vương Tôn Thất Khê (1539-1616)
- Tông Nhân phủ Tả tôn chính Quốc Oai công Tôn Thất Hiệp (1653-1675)
- Tông Nhân phủ Hữu tôn chính Tương Dương quận vương Tôn Thất Hạo (?-?)
- Tông Nhân phủ Hữu tôn chính Hải Đông quận vương Tôn Thất Đồng (?-1777).
- Tá Vận Tông Thân Công Đức Vũ Thái Tử Thiếu Bảo Khánh Quận Công Tôn Thất Kỳ Thần Vị (1598 – 1631).
Hữu vu
- Thái sư Uy quốc công Nguyễn Ư Kỷ (?-?)
- Thái sư Hoằng quốc công Đào Duy Từ (?-1634)
- Thái bảo Anh quốc công Nguyễn Hữu Tiến (?-1666)
- Thái phó Tĩnh quốc công Nguyễn Hữu Dật (?-1681)
- Thiếu phó Vĩnh An hầu Nguyễn Hữu Cảnh (?-1700)
- Thái bảo Thăng Bình quận công Nguyễn Cửu Dật (?-1775)
- Hiệp biện Đại học sĩ Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh (?-1767)